Văn hóa lái xe, - 17/04/2020 09:05 PM
Thời gian qua liên tục xuất hiện những vụ việc liên quan đến thái độ của người vi phạm giao thông xúc phạm, lăng mạ cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ.

Nhiều chiến sĩ CGST khi bị chửi bới, lăng mạ, thách thức thậm chí bị đánh đập mà chỉ biết đứng im chịu trận khiến cộng đồng mạng không khỏi xót xa, phẫn nộ. Mức phạt bao nhiêu là đủ, phải răn đe thế nào để tình trạnh này không tiếp diễn là điều khiến nhiều độc giả CafeAuto băn khoăn.

Đánh đập, chửi bới như “thánh”

Gần đây nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 21/3. Theo đó, một tài xế ô tô đã cố tình chống đối, liên tục chửi bới và lăng mạ lực lượng CSGT sau khi bị dừng xe xử lý vì vi phạm giao thông. Thậm chí, người này còn cố tình lao xe về phía 1 chiến sĩ CSCĐ rồi rồ ga bỏ chạy.

Hay vụ việc hồi đầu tháng 1/2020, mạng xã hội dậy sóng với clip người đàn ông say xỉn đạp ngã xe CSGT, khi người này bị khống chế thì có thêm em gái và vợ tham gia chửi bới, đánh CSGT.

Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc hẳn chưa quên vụ thanh niên không đội mũ bảo hiểm, khi bị cảnh sát bắt đã gọi điện về "mách" bố mẹ tới lăng mạ, chửi bới lực lượng cảnh sát Sơn La ngay giữa đường phố.

Thêm rất nhiều vụ việc “khủng khiếp” khác đã từng xảy ra, người chửi bới vô tội vạ trên mạng xã hội, người cao giọng thách thức, đập vỡ tài sản của lực lượng CSGT. Nhiều ý kiến cho rằng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, cho dù người vi phạm là ai thì cũng cần phải xử lý nghiêm để làm gương cho những kẻ khác.

CSGT có quyền hạn đến đâu?

Theo Luật sư Chung, đoàn Luật sư Hà Nội, khi người tham gia giao thông có hành vi đánh đập, chửi bới, lăng mạ, thách thức… thì CSGT cần có những ứng xử phù hợp từ việc bình tình khuyên ngăn và giải thích pháp luật để cho họ hiểu và tuân thủ quy định cho đến ứng xử mạnh mẽ, cứng rắn mang tính cưỡng chế để răn đe và kịp thời ngăn chặn những hành vi nguy hại cho chính bản thân người thi hành công vụ.

Cụ thể, trong Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định, đối với những trường hợp cần thiết, CSGT được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, để thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, CSGT có thể yêu cầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền như lực lượng 113, Công an phường để hỗ trợ giải quyết các trường hợp gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Vậy các “thánh”… sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo đó, người vi phạm có hành vi chửi bới, lăng mạ, hung hăng với CSGT gây cản trở việc thực thi nhiệm vụ là đã có dấu hiệu của tội Chống người thi hành công vụ được quy định tại điều 330 Bộ luật Hình sự. Tùy theo mức độ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.

Tuy nhiên, Luật sư Chung cũng cho rằng mỗi vụ việc cần được nhìn nhận khách quan về mức độ, tính chất hành vi vi phạm. Nếu mức độ chưa quá nghiêm trọng, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự thì đối tượng có thể bị xử lý hành chính theo khoản 2, 3 Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 02 đến 05 triệu đồng.

Cư dân mạng nói gì?

Độc giả Spring Do cho rằng mức phạt hiện nay còn nhẹ, quyền hạn của lực lượng CSGT chưa đủ mạnh để răn đe đối tượng, anh cho rằng: “ Nên tăng cường quyền lực cho CSGT là rất cần thiết khi xử lý những trường hợp như trên.”

Để xuất thêm giải pháp cho người vi phạm, nick name Anh Vũ cho rằng cần cho những đối tượng trên đi lao động công ích thì mới có hiệu quả.

 Bức xúc với nhiều đối tượng có ý thức tham gia giao thông kém, anh Tài cho rằng: “ Đừng bao giờ lấy cớ “ứng chế tâm lý” để biện hộ cho hành động của mình. Mỗi lời nói của người lớn đều thể hiện nhân cách của bản thân và còn làm gương cho trẻ nhỏ. Hãy thật văn minh xử lý vấn đề.”

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.