Theo như dự kiến, đến năm 2025, TP.HCM sẽ xây dựng phương án thí điểm chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện ở huyện Cần Giờ. Cùng với đó, phương án thí điểm phân vùng phương tiện theo tiêu chuẩn khí thải (cao hơn) ở một số khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực trung tâm cũng cần sớm được nghiên cứu.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng sẽ xây dựng kế hoạch chuyển đổi xe buýt xanh và triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo theo lộ trình thay thế, đầu tư mới xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh theo phê duyệt của Chính phủ.
Với phương án này sẽ giúp giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành GTVT. Dự kiến đến năm 2030, TP.HCM sẽ có tối thiểu 50% xe buýt sử dụng năng lượng xanh.
Trước đó, TP.HCM từng thí điểm xe điện dưới 15 chỗ chạy ở huyện Cần Giờ trong thời gian 2 năm, bắt đầu từ giữa năm 2021. Xe này dùng để chở khách đến các khách sạn, khu du lịch theo hình thức hợp đồng, du lịch.
Tuy nhiên, các phương tiện này sẽ hoạt động thí điểm trong vành đai hạn chế: Bến tàu Tắc Suất - Tắc Xuất - Đào Cử - Duyên Hải - Rừng Sác - Lý Nhơn - Rừng Sác - Bà Xán - Tam Thôn Hiệp - Rừng Sác - Duyên Hải - Thạnh Thới - Lương Văn Nho - Tắc Xuất - Bến tàu Tắc Suất.
Đầu năm 2021 đến nay, tuyến phà biển có bến đầu tại Tắc Suất đến Thành phố Vũng Tàu được đưa vào khai thác với 24 chuyến hoạt động mỗi ngày. Ngoài tuyến phà, ở bến Tắc Suất hiện có các tàu gỗ và tàu cao tốc đón trả khách
Theo Sở Giao thông Vận tải, mặc dù hoạt động của xe buýt điện nói trên vẫn còn một số tồn tại, nhưng quá trình triển khai thực hiện thí điểm đã tạo hiệu ứng tốt, nhận được sự quan tâm đón nhận và ủng hộ nhiệt tình của người dân nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường.