Ngày 12/5, Tập đoàn sản xuất ô tô Toyota Motor Corp của Nhật Bản cho biết dữ liệu xe của 2,15 triệu người dùng tại nước này, tương đương gần như toàn bộ cơ sở dữ liệu khách hàng đăng ký trên nền tảng dịch vụ đám mây từ năm 2012, đã được để ở chế công khai trong khoảng 10 năm qua do lỗi của con người.
Con số trên tương đương với gần như toàn bộ người dùng cơ sở dữ liệu đám mây của Toyota. Không những vậy, vụ việc này còn ảnh hưởng đến các khách hàng của Lexus. Đây được xem là công nghệ quan trọng để phát triển tính năng tự lái cũng như các tính năng hỗ trợ khác sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo).
Người phát ngôn của Toyota nhấn mạnh vụ việc trên xảy ra từ tháng 11/2013 và kéo dài tới giữa tháng 4 năm nay. Vấn đề này xuất phát từ lỗi của con người, từ đó dẫn tới dữ liệu lưu trữ đám mây được cài đặt ở chế độ công khai thay vì riêng tư.
Các dữ liệu có thể bao gồm những chi tiết như vị trí xe, số khung-số máy, nhưng không chứa những phản ánh về tình trạng xe bị lỗi. Có thể các thông tin này có thể đã bị lộ. Song chưa có báo cáo nào về các vụ tấn công qua mạng, phần mềm độc hại hay sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép nào từ việc rò rỉ này.
Toyota khẳng định hãng đã tiến hành các bước khóa tính năng tiếp cận dữ liệu từ bên ngoài ngay sau khi phát hiện vụ việc, đồng thời mở cuộc điều tra với tất cả các nền tảng đám mây do công ty Toyota Connected Corp quản lý.
Ngoài ra, nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản thông báo sẽ triển khai một hệ thống rà soát các cài đặt trên nền tảng đám mây, thiết lập một hệ thống nhằm tiếp tục giám sát các cài đặt, cũng như đào tạo kỹ lưỡng cho đội ngũ nhân viên về những quy tắc xử lý dữ liệu.
Theo Reuters, vụ việc sẽ gây thêm thách thức cho ông Koji Sato, người đã tiếp quản vị trí CEO Toyota từ ngày 1/4 từ ông Akio Toyoda. Kể từ khi ông nhậm chức, ngoài sự cố rò rỉ dữ liệu khách hàng, Toyota còn thừa nhận đã có vấn đề trong thử nghiệm an toàn tại Daihatsu. Nhưng sức ép lớn nhất là làm sao để đưa Toyota bước vào thời đại xe điện và chống biến đổi khí hậu.