Kể từ ngày 14/4, khách hàng tại Hà Nội có thể lựa chọn hai dịch vụ di chuyển xanh và thông minh của taxi xanh SM là GreenCar và LuxuryCar, với hai loại xe tương ứng trong giai đoạn đầu là VinFast VF e34 (GreenCar) và VinFast VF 8 (LuxuryCar). Trong thời gian tới, taxi xanh SM sẽ bổ sung thêm vào đội xe GreenCar dòng xe VF 5 Plus, sau khi VinFast chính thức bàn giao xe.
Theo như những gì mà VinFast công bố, giá mở cửa cho 1km đầu tiên của dịch vụ GreenCar là 20.000 đồng. Với 24km tiếp theo, giá cước đối với xe VF 5 Plus là 14.500 đồng/km, đối với xe VF e34 là 15.500 đồng/km. Từ km thứ 26 trở đi, giá cước lần lượt là 12.000 đồng/km đối với VF 5 Plus và 12.500 đồng/km đối với VF e34. Mức giá dành cho dịch vụ LuxuryCar là cố định 21.000 đồng/km cho toàn bộ hành trình.
So sánh với các dịch vụ taxi truyền thống, ngoài giá mở cửa có phần nhỉnh hơn thì mức giá này nhìn chung khá cạnh tranh. Cụ thể hơn, giá mở cửa của taxi Mai Linh là 11.000 đồng/km, các km tiếp theo là 15.100 đồng/km và từ km 30 trở đi còn 12.000 đồng/km. Còn với Vinasun, các con số tương ứng là 11.000 đồng/km, 17.600 đồng/km và 14.500 đồng/km.
Có thể thấy, giá cước các km tiếp theo của GSM đang thấp hơn một số hãng taxi truyền thống từ 500 - 2.100 đồng/km (tùy loại xe). Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi sang taxi điện ở Việt Nam sẽ vấp phải hai rào cản chính. Thứ nhất là câu chuyện hạ tầng trạm sạc. Nếu người dùng ô tô điện cá nhân thiếu trạm sạc một phần thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi điện khát trạm sạc gấp hàng chục lần.
Xe taxi nói riêng hay các xe kinh doanh vận tải nói chung có những đặc thù riêng biệt. Đối với ô tô cá nhân, đa số chủ xe có thể sạc đầy pin vào ban đêm để sử dụng cho cả ngày hôm sau. Còn đối với xe taxi, thời gian hoạt động là 24/7, quãng đường di chuyển dài, phải dừng, đỗ, đón trả khách tại nhiều địa điểm trong một ngày, dẫn đến cần nạp năng lượng nhiều lần và tại nhiều địa điểm.