Ở Việt Nam, thái độ hòa hảo, nhã nhặn, hợp tác, nhường nhịn dường như không có trong từ điển của nhiều tài xế. Tình trạng vi phạm luật giao thông như lấn làn, leo vỉa hè, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, chen lấn... từ lâu đã hình ảnh thường thấy trên đường phố.
Về sâu xa, cái thói hơn thua, tranh giành khi tham gia giao thông còn chính là nguyên nhân gây ra nhiều vấn nạn. Đầu tiên và dễ thấy nhất đó là vấn đề tắc đường. Vào giờ cao điểm mà ai cũng muốn mình đi trước, ai cũng không chịu thiệt thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng lộn xộn, tắc đường càng nghiêm trọng.
Để tiết kiệm vài giây, người ta sẵn sàng đi sang đường ngược chiều và dừng đỗ đèn đỏ ngay tại đó, khi các phương tiện từ hướng khác muốn đi sang cũng không có khe nào để chui vào và gây ùn tắc giữa ngã tư.
"Lưu thông trên đường, tôi cũng rất sợ khi va chạm phải xe của bất kỳ ai chạy xung quanh. Bởi vì sau khi ngã xuống, nhẹ thì tôi sẽ bị trầy xước xe, xui rủi thì chiếc phía sau sẽ cán lên người. Nhưng đúng là chạy xe ở ta lúc nào cũng phải chịu khó quan sát, không được cố vượt chiếc xe bên cạnh, chậm một chút mà cảm thấy an toàn cho mọi người thì vẫn hơn", bạn Long chia sẻ.
“Tôi không hiểu sao nhiều người ở Việt Nam cứ phải tranh giành đường, phải bóp còi inh ỏi như thúc ép xe phía trước tránh ra cho mình chạy, phải sử dụng đèn cảnh báo để vượt đèn vàng, đèn đỏ, lấn sang làn ngược chiều...? Lúc bình thường nhiều người Việt rất văn minh, lịch sự sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhưng khi tham gia giao thông thì họ trở nên hung hăng, hiếu thắng", anh Hòa nói.
Với một số vụ tai nạn giao thông, thời gian chỉ được tính bằng tích tắc nên rất khó phân biệt đúng sai trừ khi xem lại bằng camera. Nhưng liệu chuyện ai đúng, ai sai có quan trọng bằng tất cả cùng an toàn. Dù mình là người đi đúng luật nhưng trong thời buổi ngày nay thì mọi người hãy luôn nhớ rằng “tránh kẻ liều chẳng xấu mặt nào”.
Anh Lý (một lái xe tải ở TP.HCM) cho biết: “Anh thường xuyên phải đối phó với những tình huống tạt đầu xe bất ngờ của người đi xe máy. Nhiều người đi xe máy đến trước đầu xe rồi bất ngờ rẽ sang. Chỗ đó đúng điểm mù của tài xế nên chúng tôi không thể quan sát được dẫn tới tai nạn là điều khó tránh khỏi".
“Cũng từng nhiều lần phải phanh gấp và toát mồ hồi do những người tham gia giao thông bất ngờ sang đường. Không ít trường hợp, họ tạt đầu xe rồi mà còn quay lại chửi, thậm chí đánh tài xế”, anh Lý nói thêm.
"Nhiều người, nhất là thanh thiếu niên chưa có giấy phép lái xe máy nhưng vẫn điều khiển xe máy bình thường. Hành vi lạng lách, đánh võng, tạt đầu ô tô thường xảy ra ở chính những người trẻ tuổi này", anh Thành cho biết.
Thiết nghĩ rằng, nếu mỗi người chúng ta biết nhường nhịn nhau thì dẫu có tắc đường, có phải đi chậm thì cái chậm đó cũng dễ chịu hơn biết bao nhiêu, sẽ không còn cảnh lộn xộn, nhốn nháo, đầy âm thanh còi xe.