Sự Kiện, - 03/08/2022 07:03 AM
Qua đấu tranh tài xế Hoàng Văn Minh, là cán bộ của Trung đoàn Không quân 937, thừa nhận có sử dụng điện thoại khi đang lái xe.

Công an khám nghiệm hiện trường vụ cán bộ dùng điện thoại khi lái xe tông chết nữ sinh

 

14h ngày 2/8, tại trụ sở Sở Thông tin Truyền thông Ninh Thuận diễn ra cuộc họp báo để thông tin chi tiết về vụ nữ sinh lớp 12 tử vong sau va chạm với ôtô do cán bộ quân đội điều khiển.

Tại họp báo, thượng tá Hà Công Sơn, Phó trưởng Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết qua đấu tranh tài xế Hoàng Văn Minh, là cán bộ của Trung đoàn Không quân 937, thừa nhận có sử dụng điện thoại khi đang lái xe.

Theo thượng tá Sơn, qua điều tra ban đầu xác định tài xế ôtô đã chuyển hướng không an toàn (rã phải vào chi nhánh ngân hàng) và điều này là vi phạm luật giao thông. Còn Hồ Hoàng Anh (nạn nhân) đi đúng làn và tốc độ cho phép.

Theo nội dung vụ việc, lúc 8h10 ngày 28/6, ông Hoàng Văn Minh (38 tuổi, ngụ TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) điều khiển ôtô mang biển kiểm soát 85A-074.07 hướng Công viên biển Bình Sơn đi Quảng trường 16 Tháng 4.

Khi rẽ phải vào Ngân hàng Vietinbank thì va chạm với cháu Hồ Hoàng Anh (18 tuổi, ngụ TP Phan Rang - Tháp Chàm) điều khiển xe máy chạy từ phía sau lên. Sau va chạm cháu Hồ Hoàng Anh tử vong.

"Sau khi tai nạn xảy ra, anh Minh đã rút điện thoại cầm theo”, thượng tá Sơn nói.

Hiểm họa sử dụng điện thoại khi lái xe

Từ vụ việc mới nhất này lại là một lời cảnh tỉnh nữa với tohis quen sử dụng điện thoại để nghe, gọi, chụp ảnh, nhắn tin, lên mạng, facebook… mọi lúc mọi nơi, thậm chí cả khi đang tham gia giao thông.

 

 

Vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, nhắn tin là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường hàng ngày.

Sử dụng điện thoại khi lái xe mang lại những rủi ro tiềm ẩn. Việc bị mất một tay cho việc cầm điện thoại sẽ khiến bạn mất tập trung khi lái xe, đồng thời không thể phản ứng khi gặp những tình huống bất ngờ.

Đã có người vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… gây bất bình cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn.

Dùng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung; khả năng điều khiển, kiểm soát vận tốc khi gặp tình huống bất ngờ sẽ lúng túng, không xử lý kịp thời gây tai nạn là tất yếu.

Theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia.

Nếu bắt buộc phải sử dụng điện thoại, bạn có thể đeo tai nghe từ trước, và nhận cuộc gọi bằng phím tắt trên tai nghe. Bạn vừa có thể sử dụng điện thoại và vừa rảnh tay điều khiển xe. Còn không, hãy dừng hẳn xe để nhận cuộc gọi hoặc khi bạn có nhu cầu sử dụng điện thoại. Đây là cách an toàn cho cả bạn và những người xung quanh.

 

 

Tuyệt đối không nhắn tin hay lướt web, chat khi tham gia giao thông. Việc làm này khiến toàn bộ sự tập trung của bạn hướng về thiết bị di động mà không còn chú ý đến việc lái xe. Hành động thi thoảng đá mắt về phía trước để nhìn đường chỉ mang tính hình thức, vì sự tập trung của bạn lúc này không còn cho việc lái xe nữa, nguy cơ tai nạn là không phải bàn cãi.

Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe hiện nay

Tình trạng người điều khiển xe sử dụng điện thoại diễn ra khá nhiều và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn như trên thì lái xe bị xử phạt thế nào?

1. Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe với người điều khiển xe ô tô

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe tô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.

- Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như:

 

 

+ Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

+ Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.

(Theo điểm a khoản 4 và điểm b, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại điểm c, điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

2. Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

- Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như:

+ Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

+ Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.

 

 

(Theo điểm h khoản 4 và điểm b, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại điểm g khoản 34 và điểm c khoản 35 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP))

3. Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện

Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng điện thoại di động.

(Theo điểm h khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.