Thực chất, công nghệ EV không phải bây giờ mới có mà đã manh nha hình thành từ cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, cuộc đua này bắt đầu nóng dần lên trong vài năm vừa qua, đặc biệt là sau khi những quy định khí thải mới được đưa ra, cùng với đó là sự xuất hiện của hiện tượng Tesla Model S vào năm 2012. Một guồng quay mới lại bắt đầu, dẫn tới sự ra đời của những bản concept xe điện rồi được hoàn thiện để lên dây chuyền sản xuất. Bên cạnh những sản phẩm phổ thông, không ít siêu xe chạy điện đã chào đời.
Vào giữa năm nay, Schaeffler – một gã khổng lồ trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp xe hơi đã trình làng một bản concept siêu xe điện mang tên 4ePerformance. Mẫu xe demo này đã thu hút không ít sự chú ý bởi nó được hoán cải lại từ cỗ xe đua Audi RS3 TCR và sở hữu công suất gồm 4 chữ số. Được biết, Schaeffler chính là đối tác của Audi trong giải đua xe điện Formula E. Theo Gregor Gruber, kỹ sư đến từ tập đoàn này, có hai lý do dẫn tới sự ra đời của 4ePerformance.
Thứ nhất, đó là công cụ thử nghiệm, đồng thời phô diễn khả năng của công nghệ điều hướng lực kéo 4 bánh của Schaeffler. Lý do thứ hai chính là để chứng minh rằng các công nghệ trên đường đua Formula E hoàn toàn có thể được áp dụng trên những sản phẩm đường phố. Theo tiết lộ của Gregor, toàn bộ 4 mô-tơ và các máy biến tần của 4ePerformance đều thừa hưởng trực tiếp từ những chiếc xe đua Formula E của Audi.
Trong một đoạn clip được đăng tải gần đây trên Twitter, 4ePerformance đã cho thấy công nghệ điều hướng lực kéo của Schaeffler là đáng kinh ngạc như thế nào. Chỉ trong nháy mắt, chiếc xe quay liền 4,5 vòng, trong đó các bánh bên trái quay xuôi chiều còn các bánh bên phải quay ngược ra phía sau. Tất nhiên, điểm nhấn công nghệ ở đây không chỉ đơn thuần là quay tít tại chỗ mà nằm ở khả năng điều phối mô-men nhanh và mạnh mẽ, có thể thay đổi trạng thái của chiếc xe một cách tức thì.
Mỗi động cơ sẽ truyền năng lượng tới một bánh xe và tạo thành hệ dẫn động 4 bánh AWD với tổng công suất lên tới 1200 mã lực. Cung cấp năng lượng cho hệ thống này là khối pin có dung lượng 64kWh (con số này có thể tăng lên hoặc giảm đi). Với hệ thống mới, chiếc Audi RS3 TCR này có trọng lượng lên tới 1800kg – tăng tới 600kg so với xe nguyên bản. Tuy nặng ký là vậy nhưng 4ePerformance chỉ cần có 2,5 giây để tăng tốc từ 0-100km/h và thêm 4 giây nữa để chạm ngưỡng 200km/h.
Tuy chưa rõ tốc độ tối đa mà siêu EV này nhưng chúng ta có thể phần nào thấy rằng 4ePerformance sở hữu hiệu năng tương đương với những mẫu hypercar đương đại. Đó là những siêu phẩm sử dụng động cơ đốt trong ICE như Bugatti Chiron, Hennessey Venom F5 hay Koenigsegg Agera RS cho tới những siêu xe chạy điện như NIO EP9 hay Rimac Concept One. Đặc biệt, 4ePerformance cũng đã lung lay vị thế dẫn đầu của Rimac Automobili trong công nghệ điều hướng lực kéo 4 bánh cho xe điện suốt mấy năm qua.
Tuy là một nhà cung ứng như vị thế của Schaeffler đã tiệm cận với những nhà sản xuất OEM. Sản phẩm chủ đạo của hãng này là các hệ thống động lực, hộp số, khung gầm và các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực xe hơi. Schaeffler hiện đang có khoảng 92.000 nhân viên trải khắp thế giới với doanh thu lên tới 14 tỷ EUR trong năm vừa qua. Và cũng giống như những nhà sản xuất khác, gã khổng lồ đến từ Đức cũng bắt đầu quan tâm tới các công nghệ hybrid và xe điện trong vài năm qua.
Trung tâm E-Mobility hoàn toàn mới của Schaeffler có kinh phí 60 triệu EUR là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó. Với khoảng 500 kỹ sư và các nhà nghiên cứu, trung tâm này sẽ tập trung phát triển các loại phương tiện dành cho đô thị như scooter điện hay xe tự lái, tất nhiên là không thể thiếu các công nghệ hybrid và xe điện. 4ePerformance chỉ là một phần nằm trong chương trình hoạt động của E-Mobility.
Theo tiến sỹ Jochen Schröder, người đứng đầu E-Mobility, những hệ thống động cơ điện không chỉ đơn thuần là cắt giảm lượng phát thải các-bon. Bởi lẽ, tuy nặng hơn đáng kể so với những chiếc xe ICE truyền thống (chủ yếu là do các khối pin) nhưng EV tỏ ra nhanh nhẹn và linh hoạt hơn nhiều, đặc biệt là khả năng tăng tốc vượt trội. Xét về khía cạnh kỹ thuật, động cơ điện có mô-men xoắn cao hơn và đạt cực đại ngay ở vòng tua máy 0 vòng/phút, cùng với đó là tốc độ quay tối đa cao hơn nhiều so với ICE.
Tầm nhìn hướng về tương lai của Schaeffler cũng nhấn mạnh vào tiềm năng của các công nghệ điện hóa. Theo đó, đến năm 2030, chỉ 30% số xe mới là vẫn gắn bó với ICE, trong khi 40% số đó là xe hybrid và 30% còn lại thuộc về EV. Đó cũng là lý do để hãng này đầu tư vào các công nghệ động lực mới. Tuy nhiên, Schaeffle cũng cho biết rằng xe hybrid sẽ chiếm thế chủ đạo bởi các quy định mới của châu Âu được thiết kế để buộc các nhà sản xuất phải thay đổi.
Bởi lẽ, nếu không đáp ứng mức phát thải trung bình được đưa ra, họ sẽ phải gánh chịu những khoản phạt lớn hơn chi phí cần để phát triển và sản xuất xe điện hóa. Hơn nữa, các khách hàng mua xe mới cũng chưa thực sự sẵn sàng để tiếp cận với xe điện vào năm 2030. Vì vậy, hybrid sẽ là công nghệ chiếm lĩnh thị trường trong giai đoạn tới.
Làn sóng ô tô điện Trung Quốc bắt đầu tràn về Việt Nam với các mẫu xe cỡ nhỏ. Sau Wuling Hongguang Mini EV, một mẫu ô tô điện cỡ nhỏ khác cũng theo chân về Việt Nam nhưng không rõ nhãn hiệu.
VinFast công bố khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại bang Bắc Carolina vào ngày 28/7. Đây sẽ là cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên tại Bắc Carolina, đóng góp vào nguồn cung xe điện cho thị trường Bắc Mỹ, thúc đẩy cuộc cách mạng giao thông xanh toàn cầu.
Gần đây, các diễn đàn mạng xã hội lan truyền thông tin, hình ảnh loạt xe máy điện VinFast được chuẩn bị để hoạt động dịch vụ xe công nghệ tại Hà Nội.
Việc so sánh chi phí thuê pin và mua pin xe máy điện VinFast giúp người dùng dễ dàng đưa ra sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính.
Sau khi chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ có hiệu lực, kết quả kinh doanh của thị trường ô tô trong tháng 6 đã có những chuyển biến mang tính tích cực, tuy nhiên vẫn chưa mạnh như những lần áp dụng trước.