7h, anh Nguyễn Thanh Tình (ngụ ở TP Thủ Đức) nhận cuốc xe chở khách từ TP Thủ Đức lên trung tâm quận 1. Chạy quãng đường hơn 7 km, nam tài xế này nhận được khoảng 20.000 đồng.
Sau khi hoàn thành 4 đơn khác trong buổi sáng, anh Tình dừng xe trước một tòa nhà văn phòng trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) để tắt app, tạm nghỉ trưa.
Tài xế công nghệ cho biết từ ngày xăng tăng giá, anh không còn chạy lòng vòng tìm khách như trước đây. Thay vào đó, chở khách đến đâu, anh dừng xe ngay tại đó và chờ app “nổ” đơn tiếp theo.
“May mắn thì có đơn liên tục để chạy nhưng nhiều lúc chờ dài cả cổ cũng chỉ được vài ba đơn. Xăng đắt thế này cũng không dám di chuyển nhiều”, anh Tình nói với Zing.
Nhiều tài xế xe công nghệ, nhân viên giao hàng gặp khó khi giá xăng lên cao nhưng thu nhập không tăng.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng liên tục tăng nhiều lần lên mức kỷ lục đã ảnh hưởng trực tiếp đến các lái xe công nghệ, nhân viên giao hàng như anh Tình.
Trong khi các ứng dụng giao hàng chưa có điều chỉnh, các tài xế đều phản ánh tình hình khó khăn khi thu nhập thực tế sụt giảm. Hy vọng giá cước tăng cao song nhiều tài xế cũng lo ngại phí tăng sẽ dẫn đến lượng khách giảm.
Sau khi giá xăng tăng, một số ứng dụng đặt xe, giao hàng thông báo sẽ điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, giống như nhiều tài xế khác, anh Tình không mấy mặn mà khi đón nhận thông tin này.
“Nhiều người nghĩ giá cước tăng thì tài xế sẽ được hưởng lợi nhưng thực chất chúng tôi cũng chẳng được thêm gì nhiều. Tôi còn lo lượng khách giảm đi nếu app tính phí quá cao”.
Ông Châu chờ đợi nửa tiếng vẫn không có đơn hàng mới.
Dừng xe trên góc đường Nguyễn Văn Trỗi giao Hồ Biểu Chánh, ông Tiến Châu (ngụ ở quận Tân Bình) chờ hơn 30 phút vẫn chưa nhận được đơn hàng tiếp theo. “Giờ ăn trưa cao điểm mà còn như thế này thì đủ hiểu khó kiếm đơn như thế nào”, ông Châu lắc đầu chán nản nói.
Trước đây, shipper này kiếm được khoảng 300.000-400.000 đồng/ngày, chạy trung bình 30-40 đơn giao đồ ăn. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng trở lại đây, thu nhập của ông Tiến giảm đi phân nửa.
“Tiền chiết khấu trên app gần 30%. Trong khi đó, tiền xăng tăng. Giờ đây mỗi ngày tôi phải mất khoảng 50.000-100.000 đồng tiền đổ xăng. Tài xế như bị mắc kẹt ở giữa, bị chặt, bị bóp cả hai đầu”.
Ông Châu cho hay tài xế như bị "mắc kẹt" trong tình thế hiện tại.
Số tiền kiếm được hiện không đủ để ông Tiến, lao động chính trong gia đình, lo cho vợ con. “Xăng tăng làm giá cả leo thang. Từ tiền ăn uống, nhà cửa cho đến bảo dưỡng xe cộ, mọi thứ đều đắt đỏ”.
Anh Trương Phúc (28 tuổi, ngụ quận 3) là tài xế xe công nghệ hơn 2 năm. Từ khi giá xăng đạt mức tăng kỷ lục, ứng dụng không tăng giá cước cho tài xế khiến thu nhập của anh giảm đi đáng kể.
Ngoài công việc chính, anh Phúc thường chạy xe như nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Anh thường bật app từ trưa đến cuối buổi chiều, vừa chở khách, vừa giao hàng và đồ ăn.
“Mỗi ngày, tôi thường chạy được khoảng 200.000 đồng thì nghỉ. Giờ giá xăng tăng nhưng app không tăng giá cước cho tài xế, tôi phải chạy nhiều đơn hơn nếu muốn đạt được con số đó”.
Nam tài xế cho biết có nghe thông tin app tăng phí tất cả dịch vụ song đến hiện tại vẫn chưa thấy có thay đổi nào trên hệ thống. Anh hy vọng sắp tới mức phí được tăng lên để giải quyết khó khăn của tài xế.
Gần 11h sáng 8/3, ông Lê Văn Hưng (65 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) mới nhận được đơn hàng thứ 2 trong ngày, giao hoa từ đường Trương Quốc Dung (quận Phú Nhuận) sang Cộng Hòa (quận Tân Bình). Với quãng đường khoảng 3 km, ông nhận được 15.000 đồng cước giao hàng.
“Bây giờ giá xăng tăng cao quá mà trên app chưa tăng phí một chút gì, thành ra thu nhập của tôi bị giảm nhiều, ảnh hưởng đời sống. Trước đây, trung bình một đơn nhận được 15.000 đồng, trừ đi tiền xăng xe, tôi còn khoảng 10.000 đồng, nhưng giờ chỉ được khoảng 7.000-8.000 nữa thôi”, ông Hưng nói.
Trung bình mỗi ngày ông chạy 15-20 cuốc, thu nhập trên 300.000 đồng. Song hiện tại, sau khi trừ tiền xăng, thu nhập của ông bị giảm khoảng 20%.
Tài xế 65 tuổi cho hay dù gặp nhiều khó khăn song đây là tình hình chung nên chỉ có thể chấp nhận, cố gắng chạy nhiều đơn để kiếm thêm.
Mỗi đơn hàng giao thành công, ông Hưng nhận được 15.000 đồng, sau khi trừ tiền xăng chỉ còn lại chưa đến 10.000 đồng.
Trong khi mức phí mà các tài xế nhận được không tăng thêm, khách đặt dịch vụ giao hàng qua app cho biết thời gian gần đây mức cước phí có tăng cao.
Anh Nguyễn Duy An, chủ tiệm hoa trên đường Trương Quốc Dung, nói với Zing giá xăng tăng đã kéo phí giao hàng tăng lên.
“Trung bình giao đơn ở gần, tôi đặt xe tốn gần 50.000 đồng, nếu ở các quận xa trong thành phố có thể lên đến 150.000-200.000 đồng, cao hơn 20% so với trước. Những ngày lễ như 8/3, dù mức phí cao vẫn khá khó để đặt được tài xế. Một số đơn do nhân viên của tiệm tôi tự đi giao cũng phải lấy mức phí ship cao hơn một chút so với trước do ảnh hưởng của giá xăng”.
Tiền ship do khách hàng tự thanh toán nên tiệm của anh khuyến khích khách tự đến lấy để tránh “đội” chi phí lên quá cao.
Gần đây, các diễn đàn mạng xã hội lan truyền thông tin, hình ảnh loạt xe máy điện VinFast được chuẩn bị để hoạt động dịch vụ xe công nghệ tại Hà Nội.
Phía công ty GSM, đơn vị vận hành dịch vụ taxi, xe máy điện VinFast, cũng đã đăng thông tin tuyển gấp 500 tài xế xe máy điện.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị chính sách với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hỗ trợ cho tài xế công nghệ tham gia BHYT và BHXH tự nguyện.
Sau 5 ngày xe công nghệ 2 bánh trở lại hoạt động chở khách tại TP.HCM, tài xế mỏi mòn chờ nổ cuốc do ít khách gọi đặt xe. Dù vậy, các tài xế vẫn vui vẻ chờ nhịp phục hồi, đặc biệt là nguồn khách là học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Mặc dù ngành xe ôm dịch vụ có mặt khá lâu thu hút khá nhiều nhân lực, tuy nhiên hiếm ai lại chia sẻ những bước bắt đầu như thế nào để hành nghề đơn giản như mua gì để phục vụ công việc.