Từ khi được phổ cập ở Việt Nam, xe bus đã trở thành một phương tiện giao thông công cộng được nhiều tầng lớp người dân sử dụng, đặc biệt là sinh viên, người già hay những người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông. Xe bus có những ưu điểm đáng nói như giá rẻ, sức chứa lớn, đón trả đúng giờ và đúng điểm cố định. Do vậy, nhiều hành khách cảm thấy tin tưởng và thường xuyên lựa chọn xe bus để đi lại.
Tuy nhiên, với những phương tiện giao thông khác cũng lưu thông trên đường thì xe bus từ lâu đã mang danh ‘hung thần’ không khác gì xe tải. Thật vậy, một số lượng không nhỏ xe bus hiện nay có hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn gây nguy hiểm cho người đi đường. Ai tham gia giao thông ở những thành phố lớn cũng đều bắt gặp hình ảnh xe bus chiếm làn xe máy, làn ngược chiều hay vào cua bất ngờ chèn ép xe khác.
Ngược lại, khi đường vắng thì xe bus lại lao đi nhanh nhất có thể khiến ai cũng khiếp sợ. Ngoài ra, việc vào điểm dừng của xe bus cũng gây thót tim không kém khi chỉ sau khi xi-nhanh được 1 giây thì xe bus đã tạt đầu hàng loạt phương tiện phía sau để lao vào bến. Rất nhiều người tự hỏi vì sao một loại phương tiện công cộng như xe bus lại phải phóng nhanh, vượt ẩu như vậy. Những nguyên nhân sau đây rất đáng để suy ngẫm về việc quản lý xe bus ở nước ta.
Hiện nay, xăng dầu dành cho xe bus đang được quản lý một cách khá chặt chẽ theo từng ngày, từng lượt. Tùy vào quãng đường đi nhất định mà mỗi chuyến xe bus lại có định mức dầu khác nhau nhưng thường được phép thừa 4 lít/100 km. Chính vì điều này mà các tài xế xe bus đều cố gắng chạy đúng định mức để hưởng 4 lít/100 km này. Thiếu định mức là điều mà mọi bác tài muốn tránh để không bị trừ lương.
Dẫu vậy, điều kiện đường xá ách tắc ở Việt Nam khiến cho việc tiết kiệm nhiên liệu rất khó khăn. Xe bus đa phần đi trong nội đô, đèn đỏ nhiều, ùn tắc kéo dài dẫn đến hao dầu lớn. Kết quả là các bác tài phải tranh thủ phóng nhanh, lạch lách thật nhiều để tránh hao dầu.
Bên cạnh đó, việc cạnh tranh giành khách giữa các xe bus với nhau không hẳn là không có. Một tuyến đường có thể có nhiều tuyến xe bus chạy qua. Do đó, xe nào tới điểm dừng trước sẽ đón được nhiều khách hơn. Tài xế xe bus chỉ có nhiệm vụ cầm lái nhưng phụ xe lại cần doanh thu bán vé. Nếu tài xế và phụ xe có móc nối với nhau thì việc tài xế phóng nhanh để giành khách để ăn chia doanh thu bán vé cũng là điều dễ hiểu.
Vì sự tiện lợi của xe bus mà nhu cầu của người dân đối với phương tiện này đã tăng mạnh trong những năm qua. Hệ quả tất yếu là số tuyến mới và số điểm đón trả khách đã được tăng thêm đáng kể. Tuy nhiên, việc thêm điểm chờ thường không đi đôi với việc thêm thời gian chạy của một tuyến xe bus. Điều này vô tình làm tăng áp lực thời gian cho một số tài xế. Cụ thể, một tuyến xe bus trước đây mỗi lượt mất 2h30p với 36 điểm đón trả khách, sau tăng lên 40 điểm chờ thời gian chạy vẫn ấn định là 2h30p. Với mỗi điểm dừng mới, tài xế xe bus lại mất một khoảng thời gian không nhỏ để đón trả khách. Cộng với giao thông dày đặc ở Việt Nam, xe bus phải tranh thủ chạy thật nhanh để kịp thời gian biểu.
Nếu chạy về muộn hay sớm hơn thời gian quy định, tài xế có thể sẽ bị phạt hay trừ tiền thưởng, tiền chất lượng phục vụ rồi tệ hơn là mất chuyến. Đó là lý do vì sao xe bus có lúc phải cố tình chạy chậm hay đa phần là phải chạy thật nhanh để về đúng giờ. Bên cạnh đó, vì mang danh xe công nên một số tài xế xe bus cũng bạo gan hơn trong việc lạng lách, vượt ẩu, tạt đầu phương tiện khác mà ít khi bị CSGT phạt. Sau một thời gian, các bác tài tự thấy quen với đặc quyền này mà thoải mái phóng nhanh vượt ẩu mọi lúc mọi nơi dẫn đến nhiều hậu quả nghiệm trọng.
Hiện nay, các xí nghiệp vận hành xe bus đã có những biện pháp tuyên truyền tăng cường ý thức tham gia giao thông cho các tài xế. Ngoài ra, thời gian chạy từng chuyến, số lượt giờ cao điểm/thấp điểm đã được điều chỉnh để giảm áp lực đối với lái xe. Dẫu vậy, tác dụng của các biện pháp này cần phải đợi thêm một thời gian để khẳng định. Ở thời điểm hiện tại, người tham gia giao thông vẫn phải nhìn xe bus với con mắt e ngại và kiêng dè mỗi khi ra đường.