Khám Phá, - 14/07/2019 03:44 PM
Mới đây, chiếc VW Beetle cuối cùng đã được xuất xưởng tại Mexico, đánh dấu sự kết thúc cho một huyền thoại của thế giới xe hơi.

Khởi đầu là một chiếc xe quốc dân của người Đức, con bọ đã nhanh chóng xâm chiếm các thị trường trên toàn cầu. Không chỉ đơn thuần là một chiếc xe, Beetle đã trở thành một phần của cuộc sống bởi nó đã trở nên quá đỗi thân thuộc. Không to lớn hay cầu kỳ, Beetle là minh chứng điển hình cho sự thành công có thể đến từ những thứ nhỏ bé, đơn giản. Với hàng chục triệu chiếc xe đã ra đời sau 81 năm qua, Beetle là một trong những mẫu xe bán chạy nhất trong lịch sử. Và để đáp ứng lượng nhu cầu khổng lồ, các thế hệ của model này được sản xuất, lắp ráp tại rất nhiều quốc gia thuộc nhiều châu lục khác nhau.

Mọi chuyện bắt đầu vào thời kỳ trước thế chiến II khi trùm Phát Xít Hitler muốn phát triển một chiếc xe quốc dân tại Đức. Những tiêu chí được đặt ra khi đó bao gồm giá thành rẻ mà ngay cả những người công nhân tại các nhà máy có thể sở hữu, dễ sản xuất và có thể chạy ở vận tốc 100km/h. Một nhân vật nổi tiếng khác cũng có cùng mong muốn như trên chính là Ferdinand Porsche – nhà sáng lập thương hiệu xe thể thao cùng tên và được biết tới với nhiều mẫu xe hiệu năng cao. Từ đó, ý tưởng ban đầu về Beetle đã được phác họa và được hiện thực hóa bằng một nguyên mẫu nặng 650kg. Khi đó, nó mang trên mình khối động cơ 1,0 lít mạnh 25 mã lực.

Các cuộc thử nghiệm được bắt đầu vào năm 1936. Lúc bấy giờ, Porsche đã tạo nên các nguyên mẫu tiệm cận với phiên bản sản xuất của con bọ ở mọi khía cạnh. Được biết, nguyên mẫu này có tên nội bộ là Type 60. Đến năm 1938, dây chuyền sản xuất của Beetle đi vào hoạt động nhưng với năng suất hạn chế do chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra. Khi ấy, VW mới chỉ tạo ra 210 chiếc Beetle.

Trong thời kỳ chiến tranh, phòng thiết kế của Porsche đã tiến hành cải biên Beetle theo mục đích quân sự. Cụ thể, con bọ được nâng gầm, trang bị hệ dẫn động 4 bánh và động cơ mạnh hơn. Kết quả là sự ra đời của chiếc Kubelwagen và xe lưỡng cư Schwimmwagen (trong hình).

Vào tháng 7/1940, quân đội Đức xâm chiếm Pháp và thu giữ các nguyên mẫu của chiếc Citroen 2CV – một biểu tượng khác trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô. Lúc này, người Đức tính ép Citroen từ bỏ dự án của mình và sản xuất Beetle. Nhưng hãng xe nước Pháp không đồng ý và khước từ lời đề nghị này tới 6 lần.

Chiến tranh kết thúc, nhà máy của VW ở Wolfsburg bị hư hỏng nặng, toàn bộ phần mái đã bị khá hủy. Vì vậy, nó chỉ có thể hoạt động vào những ngày nắng. Khi dây chuyền hoạt động trở lại, những người công nhân địa phương phải thực hiện mọi thứ bằng tay. Đồng thời, quân đội Anh cũng đặt một trung tâm sửa chữa bên trong nhà máy để duy trì nhịp độ làm việc của công nhân trong khi tìm cách khắc phục vấn đề tại đây.

Vào năm 1945, một phái đoàn Anh đến thăm đống đổ nát và đề nghị thẳng thừng về việc đánh sập nhà máy. Họ chê chiếc xe không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật căn bản, xấu xí và ầm ĩ. Họ cũng cho rằng Beetle không thể gây khó dễ cho những chiếc xe Anh quốc nếu được sản xuất số lượng lớn. Chưa dừng lại ở đó, chủ tịch của Ford khi ấy là Ernest Breech cũng can ngăn Henry Ford II trong việc tiếp quản nhà máy của VW. Thậm chí, ông ta còn nói với ngài Ford rằng thứ mà họ nhận về còn chẳng đáng gì.

Sau khi người Mỹ rút khỏi cuộc chơi, người Anh trao quyền kiểm soát nhà máy lại cho phía Đức và chỉ định việc trông coi cho một cựu giám đốc của GM – Heinz Nordhoff.  Ngay lập tức, vị này chứng minh rằng những ai chế giễu Beetle đã mắc một sai lầm lớn. Trong năm 1946, nhà máy này cho ra lò 10.200 chiếc xe con bọ. Và đến tháng 10/1948, cứ 3,5 phút lại có một chiếc Beetle ra đời. Ngoài ra, VW đã nhận được 15.000 đơn đặt hàng trong nước và 7000 đơn từ nước ngoài.

Năm 1949, doanh nhân người Hà Lan Ben Pon đã đem một chiếc Beetle tới Mỹ, bất chấp làn sóng bài Đức. Ông không hề gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng cho chiếc xe. Sau đó, ông tiếp tục bán được một chiếc nữa tại đây. Về sau, Pon được công nhận là nhà nhập khẩu xe VW đầu tiên trên đất Mỹ.

Cũng trong năm này, Karmann, một công ty chế tác thân xe đã giới thiệu phiên bản mui trần đầu tiên của Beetle. Ngay sau đó, các công ty khác cũng bắt chước theo để đem đến sự độc đáo cho chiếc xe. Trong hình là sản phẩm của công ty Dannenhauer & Stauss  tới từ Stuttgart.

Đến thập niên 50, doanh số của Beetle tăng chóng mặt sau khi VW xuất khẩu sản phẩm của mình tới các thị trường khác. Dù hình dạng tổng thể vẫn được giữ nguyên nhưng hãng này đã tiến hành một số thay đổi nhỏ trong thiết kế, ví dụ như ô kính phía sau hay động cơ nhiều sức mạnh hơn. Được biết, chiếc Beetle thứ 500.000 đã xuất xưởng vào tháng 7/1953.

 

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.