Tại đây, một chiếc Ferrari F40 đang được chăm sóc. Được biết, ‘siêu ngựa’ này được sản xuất từ năm 1989 và đã trải qua một số lần sơn lại. Theo đồng hồ công-tơ-mét, chiếc F40 nói trên mới chỉ chạy khoảng 15.000km. Đây là một con số thường thấy trên những siêu phẩm như vậy.
Về cơ bản, lớp phủ lên chiếc xe là một dạng phim công nghiệp. Theo chia sẻ của Jules Sturgess, công ty này sử dụng loại phim bảo quản được đánh giá là tốt nhất nhiện nay. Đó là Xpel Ultimate Plus. Nó bao gồm một lớp bảo vệ polyurethane giúp mang tới sức chống đỡ và hấp thụ tác động từ đất đá hay các vật thể khác trên đường. Không những vậy, loại phim này còn có thể chống lại sự tàn phá khi bị đâm, rạch nhẹ bằng kim loại nhờ một lớp ‘áo tự lành’ trên bề mặt. Với lớp phủ bằng gel này, các vết xước không quá nghiêm trọng có thể tự biến mất theo thời gian.
Để chứng mình khả năng chống phá hoại, người sáng lập cùng tên với công ty Jules Sturgess đã dùng một mẩu Kevlar rạch lên bề mặt của chiếc xe. Phép màu đã xảy ra sau khi người này dùng nhiệt từ nồi hấp để hơ lên các xết rạch. Chúng đã dần dần mờ đi. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Jules và các cộng sự đã phải rất kỳ công và nắn nót để hoàn thành phần việc của mình, nhất là khi đối tượng của họ là một tuyệt phẩm như Ferrari F40.
Người sáng lập công ty này cho hay để cắt các tấm phim theo kích thước cho trước, họ sẽ phải dùng đến bộ phần mềm, máy vẽ và máy cắt CNC. Dù vậy, có một vấn đề nho nhỏ đó là các khuôn mẫu đo đạc từ chiếc F40 chỉ có thể được lấy từ hai bên thân xe. Cũng may là với một chuyên gia như Jules, ông có thể tự tạo ra các khuôn mẫu. Đẳng cấp này có được là dựa trên các kinh nghiệm mà đội ngũ của Jules thu được sau nhiều năm làm việc với những chiếc xe không có khuôn mẫu.
Trong suốt quá trình thực hiện, một trong những khó khăn lớn nhất nằm ở hạn chế về kích thước bề ngang (tối đa 1,5 mét) của vật liệu được sử dụng.Trên những bề mặt lớn như nắp capo của F40, một tấm phim như vậy là không đủ. Giải pháp duy nhất là ghép các tấm lại với nhau để lấp đầy các bề mặt nhưng sẽ để lộ các đường nối. Dù vậy, Jules đã rất thông minh khi tận dụng các nếp tạo hình trên capo để giấu chúng. Rất khó để nhận ra những ‘mũi khâu’ này.
Trong số các bề mặt, phần cánh đuôi là nhẵn nhụi nhất để dán phim bảo vệ. Đầu tiên, bề mặt của nó sẽ được làm sạch bằng… dầu gội đầu Baby Shampoo và một thanh dụng cụ bằng đất sét. Sau đó, tấm phim sẽ được đính tạm lên và Jules dùng hơi nước để kéo căng ra, kết hợp với thao tác miết tay qua lại. Cuối cùng, một máy phun alcohol sẽ được sử dụng để cố định lớp phim. Được biết, vật liệu này không ngả vàng hoặc ngăn chặn tia UV nên nước sơn ở bên dưới vẫn có thể phản ứng một cách tự nhiên như lúc chưa được phủ phim.
Đó mới chỉ là các bề mặt phẳng với thao tác khá đơn giản. Khó khăn thực sự chỉ xuất hiện khi thực hiện bọc phim ở những khu vực cong. Jules cau mày khi cho biết một số kỹ thuật viên làm ẩu sẵn sàng cắt các tấm phim khi đã được đính lên bề mặt của chiếc xe.
Bình thường, công ty của Jules cần một ngày để tạo khuôn và thêm một tuần nữa để hoàn thiện quá trình phủ phim. Tuy nhiên, với một siêu xe hàng hiếm như Ferrari F40, khoảng thời gian cần thiết sẽ tăng lên gấp đôi. Chi phí để phủ phim toàn bộ phần thân của một chiếc xe dao động từ 4500-5000 Bảng (136-151 triệu đồng).