Ắc-quy là một trong những bộ phận quan trọng nhất trên xe ô tô. Để tối đa hóa tuổi thọ của ắc-quy cũng như đảm bảo ô tô không gặp phải trục trặc dọc đường, các chủ xe cần giữ cho ắc-quy ô tô được sạc đúng cách. Khi ắc-quy ô tô yếu, hệ thống sạc (hay còn gọi là máy phát điện trên ô tô) và bộ khởi động động cơ sẽ phải tốn nhiều điện năng để bù đắp cho sự thiếu hụt từ ắc-quy. Do đó, chúng sẽ phải hoạt động quá mức và theo thời gian có thể bị hỏng hóc.
Ắc-quy ô tô chịu nhiều tác động bởi nhiệt độ khắc nghiệt, đó là lý do tại sao người lái xe thường gặp vấn đề khó khởi động vào buổi sáng mùa đông và những ngày hè nóng bức. Ắc-quy mới có thể chịu được nhiệt độ lạnh hoặc nhiệt độ cao tốt hơn, nhưng ắc-quy cũ có khả năng chống chịu với nhiệt độ khắc nghiệt kém hơn và thậm chí có thể chết hoàn toàn.
Theo nghiên cứu, ắc-quy của ô tô bị suy yếu khoảng 60% ở -17 độ C và ở 0 độ C, nó sẽ mất 35% sức mạnh. Nhiệt độ khắc nghiệt có thể gây ra những hư hỏng không thể phục hồi cho ắc-quy và việc thay thế sẽ vô cùng tốn kém.
Trước hết, nhiệt độ quá cao có thể làm bay hơi các chất lỏng quan trọng của ắc-quy, do đó làm suy yếu điện tích của ắc-quy. Nó cũng có thể đẩy nhanh quá trình ăn mòn, việc này sẽ làm hỏng cấu trúc bên trong của ắc-quy và giảm tuổi thọ.
Trong khi đó, thời tiết lạnh khắc nghiệt có thể làm đóng băng ắc-quy. Hiện tượng này sẽ làm cho các cạnh của vỏ ắc-quy bị phồng lên, làm chập mạch các tấm ắc-quy và ắc-quy sẽ không sạc được nữa. Ắc-quy axit chì và ắc-quy Lithium Ion đặc biệt yếu trong điều kiện thời tiết cực lạnh.
Ắc-quy có đủ khả năng chống lại nhiệt độ lạnh khi được sạc 100%, nhưng khi ắc-quy hao mòn, độ bền của nó sẽ yếu đi. Trong những tháng mùa đông, việc khởi động động cơ sẽ tiêu thụ nhiều điện năng gấp đôi ngày thường. Đây là lý do tại sao các chủ xe thường gặp khó khăn khi khởi động động cơ vào những buổi sáng mùa đông lạnh giá.
Ắc quy ô tô chỉ có thể hoạt động bình thường khi các đầu nối ở các cực còn nguyên vẹn. Tất cả các đầu nối phải không dính tạp chất và cố định chắc chắn trên ắc-quy.
Tuy nhiên, dây cáp và đầu nối của ắc-quy dễ bị ăn mòn theo thời gian. Ngoài ra, các đầu nối của ắc-quy có thể trở nên lỏng lẻo. Những điều này sẽ cản trở khả năng sạc ắc-quy và cung cấp điện cho ô tô. Theo thời gian, ô tô có thể chết máy khi đang đi trên đường hoặc hư hỏng các bộ phận điện tử quan trọng như đèn báo, điều hòa nhiệt độ.
Ăn mòn là một vấn đề không thể tránh khỏi với tất cả các loại ắc-quy. Các đầu nối bị ăn mòn và lỏng lẻo không phải là vấn đề nghiêm trọng và có thể tránh được nếu chủ xe bảo trì thường xuyên. Việc làm sạch các đầu nối của ắc-quy có thể thực hiện tại nhà bằng cách dùng dung dịch tẩy rửa chuyên dụng và bàn chải lông mềm (cần phải đeo găng tay và kính bảo vệ). Một giải pháp đơn giản khác là dán băng dính điện lỏng để tạo một lớp đệm kín khí cách ly đầu nối với môi trường bên ngoài.
Không có gì tồn tại mãi mãi, kể cả ắc-quy ô tô. Tùy thuộc vào cách lái xe và khí hậu của nơi sinh sống, ắc-quy xe hơi thường có tuổi thọ từ ba năm đến năm năm. Khi ắc-quy đạt mốc ba năm, chủ xe cần theo dõi chặt chẽ.
Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi thọ của ắc-quy, bao gồm nhiệt độ khắc nghiệt và các chuyến đi ngắn thường xuyên. Nếu ắc-quy ô tô của bạn bị hết điện nhanh chóng, ngay cả sau khi khởi động lại, đó là dấu hiệu cho thấy ắc-quy đã quá cũ và cần được thay thế.
Để theo dõi tình trạng ắc-quy và biết khi nào cần thay mới, bạn sẽ cần một đồng hồ vạn năng hoặc một vôn kế, cả hai đều đo điện áp được lưu trữ trong ắc-quy tại một thời điểm nhất định. Năng lượng để xe hơi hoạt động được lưu trữ trong ắc-quy và được đo bằng điện áp. Mức điện áp trong ắc-quy về cơ bản là trạng thái sức khỏe của ắc-quy.
Ắc-quy được coi là sạc đầy khi có điện áp từ 12,6 volt trở lên. Khi ắc-quy xuống mức 12,2 volt thì nó chỉ được sạc khoảng 50% và khi xuống dưới 12 volt, ắc-quy đã chết và cần được thay thế.
Giống như việc lốp ô tô vẫn hư hỏng theo thời gian ngay cả khi được lưu trữ trong kho, ắc-quy cũng mất dần chất lượng theo từng tháng ngay cả khi được sử dụng ít và chăm sóc đúng cách. Do đó, khi mua ắc-quy, chủ xe nên chọn loại ắc-quy mới được sản xuất trong vòng 6 tháng trở lại đây.
Để biết tuổi thọ của ắc-quy, bạn có thể kiểm tra mã ngày gồm bốn hoặc năm chữ số trên nắp hộp đựng ắc-quy. Những gì bạn cần chỉ là phần đầu tiên của mã, bao gồm một chữ cái và một chữ số, chẳng hạn như A20.
Ký tự đầu này được chỉ định cho mỗi tháng: A cho tháng Giêng, B cho tháng Hai, v.v. Con số theo sau biểu thị năm: ví dụ: 9 cho năm 2009, 12 cho năm 2012, 20 cho năm 2020, v.v. Ví dụ, “A20” có nghĩa là ắc-quy được vận chuyển từ nhà máy đến các đại lý phân phối ắc-quy vào tháng 1 năm 2020.
Ô tô dựa vào ắc-quy để khởi động và chạy động cơ. Nhưng khi ô tô đang chạy, ắc-quy lại phụ thuộc vào máy phát điện để sạc điện. Máy phát điện tạo ra năng lượng điện từ năng lượng cơ học của ô tô và sử dụng nguồn điện này để sạc ắc-quy cũng như cung cấp cho các thiết bị điện khác nhau như đèn, đài radio và điều hòa nhiệt độ.
Nếu máy phát điện hoạt động đúng cách và sạc điện vừa đủ cho ắc-quy thì tuổi thọ của ắc-quy sẽ được tối đa hóa. Tuy nhiên, việc sạc quá ít hoặc sạc quá nhiều đều làm giảm tuổi thọ của ắc-quy. Ngoài ra, nếu máy phát điện của ô tô không hoạt động bình thường thì việc sạc ắc-quy sẽ không hiệu quả. Nếu ắc-quy còn tốt và vấn đề khởi động chậm xảy ra khi xe đang chạy thì máy phát điện có thể là thủ phạm.
Giống như ắc-quy, chủ xe cũng phải kiểm tra máy phát điện thường xuyên hoặc bất cứ khi nào gặp phải sự cố khó khởi động hoặc không khởi động được. Việc kiểm tra ắc-quy và máy phát điện luôn phải song hành với nhau.
Lưu ý rằng chủ xe phải kiểm tra ắc-quy trước khi kiểm tra máy phát điện. Lý do là vì ắc-quy khởi động động cơ và một khi động cơ chạy, nó sẽ quay máy phát điện và việc quay này sẽ sạc điện cho ắc-quy. Nếu ắc-quy quá yếu, động cơ xe sẽ không chạy được và do đó không thể kiểm tra máy phát điện.
Khi động cơ ô tô hoạt động thì máy phát điện được cấp điện và sạc lại ắc-quy. Tuy nhiên, khi ô tô đứng yên, máy phát điện không thể sạc lại ắc-quy, trong khi ắc-quy của bạn vẫn phải cung cấp năng lượng cho các thiết bị khác nhau, bao gồm đèn nội thất, đồng hồ và radio.
Hầu hết những điều này thường không làm hao ắc-quy ô tô, nhưng một số hư hỏng nhỏ về điện vẫn có thể xảy ra và làm tiêu hao ắc-quy. Đèn nội thất (bao gồm cả đèn cửa) và rò rỉ điện là những nguyên nhân tiềm ẩn dễ gây tiêu hao điện năng của ắc-quy. Để tránh những rủi ro như vậy, chủ xe nên tạo thói quen tắt tất cả đèn và đảm bảo tất cả các cửa được đóng hoàn toàn trước khi rời khỏi xe, bao gồm cả cốp xe và hộp đựng đồ ở táp-lô.
Có một điều đáng lưu ý là lái xe trên đường cao tốc ở tốc độ cao liên tục sẽ tốt hơn cho xe ô tô. Trái lại, việc lái xe thường xuyên trong dòng xe cộ chật cứng như tại Việt Nam sẽ khiến nhiều bộ phận ô tô bị hao mòn sớm. Điều này cũng đúng với ắc-quy trên xe.
Khi thường xuyên thực hiện các quãng đường ngắn và phải dừng liên tục, động cơ sẽ lấy nhiều năng lượng từ ắc-quy để khởi động lại nhưng máy phát điện không có đủ thời gian để sạc ắc-quy giữa các lần dừng. Theo thời gian, việc này làm ắc-quy yếu đi và giảm tuổi thọ, đặc biệt nếu ắc-quy trên xe đã cũ.