Đến tháng 5/2018, thị trường ô tô Việt Nam liên tục chứng kiến hai xu hướng, nhiều mẫu xe ăn khách ồ ạt tăng giá, trong khi xu hướng giảm giá chỉ ở các dòng xe cao cấp, ít khách, giá tiền cao. Xe nhập không thuế gần 5 tháng qua tiếp tục bí đường về đã khiến người tiêu dùng vơi dần niềm tin giá xe rẻ đi như kỳ vọng trước đó.
Xe nhập "bí" đường về, giá xe khó giảm
Năm 2018, người tiêu dùng, nhất là người có nhu cầu mua xe hơi đều nằm lòng chuyện xe không thuế vào Việt Nam, giá xe sẽ giảm nhanh và nhiều loại xe trong nước, xe nhập khẩu sẽ tiệm cận hơn đối với mức thu nhập của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tính đến nay đã gần hết nửa năm, thị trường xe vẫn chưa có thay đổi đáng rõ rệt, nếu không nói là các cuộc chiến giảm giá xe đã mất.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 3/5, Việt Nam mới nhập gần 4.800 xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi về Việt Nam, trong đó chủ yếu nhập từ Thái Lan, Mexico. Tổng lượng xe con nhập 4 tháng đầu năm nay chưa bằng lượng nhập xe của 1 tháng 4/2017.
Trong khi đó, nhiều loại xe từ các thị trường khác không thể về được Việt Nam, đơn cử năm 2017 xe Indonesia đứng vị trí số 3 về nhập khẩu vào Việt Nam sau xe Thái Lan và Ấn Độ, tuy nhiên, hết 4 tháng qua chưa có chiếc xe Indonesia nào về được Việt Nam (ngoại trừ 3 chiếc xe Toyota nhập về để nghiên cứu).
Trong khi đó, tại các thị trường khác như Đức, Mỹ, Hàn, Nhật hay Trung Đông - nơi trung chuyển nhiều dòng xe nhập về Việt Nam cũng có lượng nhập ở mức tối thiểu chỉ vài chiếc đến vài chục chiếc trong 4 tháng đầu năm. Trong khi đó, các xe thương hiệu của Anh như Rang Rover không thể về được Việt Nam; các xe thương hiệu Ý như Ferrari, Maserati cũng cùng chung số phận.
Trong khi đó, năm 2017 rộ lên nhiều dòng xe con nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ nhưng đến cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Thành Công quyết định dừng nhập khẩu các mẫu xe Hyundai từ Ấn Độ để thực hiện lắp ráp trong nước, lượng xe nhập từ Ấn Độ suy giảm đột ngột.
Các dòng xe Suzuki, Renault được lắp ráp ở Ấn Độ nhập về Việt Nam cũng giảm hẳn, doanh nghiệp chuyển bộ phận nhập xe Suzuki sang nhập từ Indonesia để hưởng thuế 0%, còn dòng xe Renault vốn khó tiêu thụ tại Việt Nam nên số lượng nhập về rất hạn chế.
Giá xe trên thị trường: Tăng - giảm thất thường
Mặc dù xu hướng chung của thị trường ô tô là giá xe giảm, trái lại cũng có nhiều dòng xe ăn khách lại được tăng giá. Đơn cử trong tháng 4 và tháng 5, các mẫu xe của Nissan Sunny bản XL tăng giá 10 triệu đồng, bản XV tăng giá 11 triệu đồng. Các mẫu xe lắp ráp Outlander của Mitsubishi bản 2.0 CVT tăng 15 triệu đồng, các bản Premium 2.0 CVT và 2.4 CVT có giá giữ nguyên.
Trong tháng 4/2018, Honda Việt Nam cũng tăng giá một số mẫu xe nhập khẩu như CRV, Civic hay bản Jazz vì cho rằng chi phí chờ kiểm định và lưu kho bãi quá lâu ảnh hưởng đến chi phí xe hơi. Một hãng xe khác là Ford cũng tăng giá mẫu xe nhập khẩu là Ranger từ 10 – 25 triệu đồng với 8 phiên bản, giá dao dộng từ 634 tới 940 triệu đồng. Hyundai Thành Công tháng 4/2018 tăng giá những mẫu xe lắp ráp trong nước như Grand i10, Tucson, Elantra và Santa Fe từ 10 tới 20 triệu đồng. Theo đó, giá mẫu Hyundai Grand i10 tăng giá đồng loạt 10 triệu đồng với cả 9 phiên bản, giá dao động từ 325 triệu tới 415 triệu đồng.
Về các loại xe giảm giá, từ đầu năm đến nay hầu hết đều thuộc dòng xe từ 800 triệu đồng đến hơn 1,2 tỷ đồng, chỉ có 3 thương hiệu xe nhỏ giảm giá thuộc về Chevrolet. Cụ thể như Mitsubishi Pajero giảm hơn 164 triệu đồng từ mức 2,12 tỷ đồng xuống còn 1,95 tỷ đồng; Nissan Teana cũng được giảm giá hơn 104 triệu đồng xuống còn gần 1,2 tỷ đồng/chiếc. Mẫu SUV 7 chỗ Chevrolet Trailblazer vừa ra mắt thị trường Việt Nam cũng được giảm giá từ 50 - 80 triệu đồng với mức giá khoảng 860 đến gần 1 tỷ đồng/chiếc. Trong khi đó, các dòng xe nhỏ hợp túi tiền của người dân lại giảm khá ít mẫu, duy nhất có các dòng của Chevrolet giảm giá như Spark Duo (30 triệu đồng); Spark (25-40 triệu đồng); Aveo (60 triệu đồng); Cruze (30 triệu đồng)…
(Theo Dân Trí)