Lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin, từ 0h ngày 15/3, Cục CSGT bắt đầu ra quân thực hiện cao điểm xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma tuý tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và chỉ đạo lực lượng CSGT trên toàn quốc đồng loạt triển khai thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm này.
Kế hoạch này thực hiện từ ngày 15/3 cho đến hết ngày 31/12/2021; tập trung các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xuyên xảy ra TNGT; địa bàn gần nơi xe xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy...
Trọng tâm của đợt ra quân là chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của tài xế có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn trong cơ thể và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đồng thời, đánh giá thực trạng tài xế sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích khác, góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT.
Trong đó, tập trung đối tượng xe mô tô, ô tô con, ô tô chở khách, ô tô tải, xe vận tải container, xe ô tô kéo rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc.
Các Tổ CSGT phải sử dụng camera đã được trang bị, nhất là camera mini để ghi nhận lại hoạt động trong ca công tác. Các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác phải ghi nhận đầy đủ, rõ ràng để làm căn cứ xử lý theo quy định.
Đặc biệt, khi xử lý các tài xế sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn phải kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định.
Các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy phải tổ chức xác minh về nhân thân, thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã nơi người đó làm việc, cư trú có biện pháp quản lý theo quy định; đồng thời kiến nghị với ngành GTVT có biện pháp trong việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Đồng thời, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ. Khi gặp các hành vi chống đối, phải chủ động và phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn, lập hồ sơ ban đầu và chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.
Theo thống kê của Cục CSGT, trong năm 2020, lực lượng CSGT đã xử phạt 185.323 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 1,42% so với năm 2019); 1.410 lái xe dương tính với ma túy (tăng 59,50% so với năm 2019).
Riêng trong tháng 1/2021, CSGT xử phạt 22.884 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn; 247 trường hợp vi phạm về ma túy. Trong tháng 2/2021, xử phạt 22.544 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn và 102 trường hợp vi phạm ma túy...
Theo: atgt.vn
Theo kế hoạch, cảnh sát giao thông sẽ thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, công khai kết hợp với hóa trang khi kiểm soát nồng độ.
"Tôi uống khoảng 3 lon bia nhưng không ngờ nồng độ cồn lại kịch khung", người vi phạm luật giao thông phân trần.
Quốc gia Đông Âu đang xem xét dự thảo mới, bắt buộc ôtô lắp thiết bị kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế.
Một người phụ nữ Mỹ vừa bị tước giấy phép lái xe, phạt tù 14 năm khi lái xe trong tình trạng say xỉn, nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép ba lần, cô gây ra vụ tai nạn khiến 3 đứa con của mình bị thương.
Thay vì cho thổi vào máy để kiểm tra nồng độ cồn, cảnh sát Hàn Quốc quyết định kiểm tra độ tỉnh táo của tài xế thông qua việc lái xe theo đường zích zắc.