Năm 2018 vừa đi qua một nửa chặng đường, thị trường ô tô Việt Nam vẫn chưa cho thấy dấu hiệu của sự khởi sắc. Tác động từ chính sách từng bước ảnh hưởng đến cục diện cạnh tranh giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, trong khi tâm lý hoang mang chờ ô tô giảm giá của người tiêu dùng vẫn tiếp diễn… khiến sức mua trên thị trường liên tục biến động.
Sau những tín hiệu có phần lạc quan với mức tăng trưởng 9% trong tháng 5.2018, thị trường ô tô Việt Nam phủ màu ảm đạm trong giai đoạn kết thúc quý II năm 2018. Điệp khúc “giảm doanh số” một lần nữa được nhắc đến trong báo cáo bán hàng tháng 6.2018 vừa được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố. Theo đó, bất chấp nỗ lực kích cầu của các doanh nghiêp, đại lý… tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường tháng 6.2018 chỉ đạt 21.913 xe, giảm 5% so với tháng trước đó.
Không ít khách hàng vẫn mang tâm lý chờ đợi khiến sức mua ô tô trên thị trường liên tục biến động
Trong đó, lượng tiêu thụ các mẫu mã thuộc phân khúc xe du lịch đạt 15.185 xe, giảm 1% so với tháng liền trước. Xe thương mại vốn tăng trưởng trong các tháng trước, nay cũng không khấm khá hơn với mức sụt giảm 8%, đạt 6.281 xe. Đặc biệt phân khúc xe chuyên dụng chỉ đạt doanh số bán 447 chiếc, giảm đến 42%.
Trong khi đó, những tác động từ chính sách góp phần tạo ra sự thay đổi rõ nét về tỉ lệ tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Theo số liệu từ VAMA, tính đến hết tháng 6.2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 10% trong khi xe nhập khẩu giảm đến 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng tiêu thụ ô tô theo từng tháng và cộng dồn 6 tháng đầu năm 2018
Điều này xuất phát từ những quy định mới liên quan đến hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc được ban hành trong giai đoạn cuối năm 2017 đến đầu năm 2018. Sau khi những chính sách này bắt đầu có hiệu lực, hoạt động nhập ô tô của hầu hết DN dường như đều bị gián đoạn, khiến nguồn cung cho thị trường không đảm. Doanh số bán hành theo đó cũng sụt giảm. Tính đến tháng 6.2018 nhiều mẫu xe nhập khẩu từ Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia… vẫn không có để bán. Điều này tạo ra hai thái cực đối lập giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Trong khi ô tô nhập khẩu khan hiếm mẫu mã mới khiến khách hàng mất thời gian chờ đợi, trong khi xe lắp ráp với lợi thế nguồn cung có sẵn luôn dễ dàng tiếp cận người mua.
Việc ô tô nhập khẩu về nhỏ giọt, trong khi xe lắp ráp trong nước vẫn không giảm giá bán phần nào tác động vào tâm lý người mua. Thực tế, không ít khách hàng vẫn mang tâm lý chờ đợi khiến sức mua ô tô trên thị trường liên tục biến động. Theo số liệu từ VAMA, doanh số bán xe lắp ráp tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng không thể bù đắp vào mức sụt giảm quá lớn của xe nhập khẩu. Cụ thể, cộng dồn 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh số bán ô tô của các hãng xe thuộc VAMA đạt 125.659 chiếc, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng trưởng của xe lắp ráp không thể bù đắp doanh số sụt giảm của xe nhập khẩu
Trong tháng 6, doanh số bán hàng của một số thương hiệu ô tô tại VN đều sụt giảm. So với tháng 5.2018, lượng tiêu thụ xe Mitsubishi giảm 40%, Toyota giảm 10%, Ford giảm 6% và Honda giảm 11%. Mức giảm này chủ yếu đến từ mảng kinh doanh xe nhập khẩu, do một số mẫu mã không còn xe để bán. Đơn cử như Toyota, dù lượng tiêu thụ các mẫu xe lắp ráp như Vios, Innova luôn tăng trưởng trong tháng 6.2018 nhưng cũng khổng thể bù đắp doanh số các dòng xe nhập như Fortuner, Yaris, Hilux.
Hiện tại, số lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia... về Việt Nam vẫn khá “nhỏ giọt”, trong khi các mẫu xe sản xuất tại Nhật Bản vẫn chưa hẹn ngày về. Theo kế hoạch của một số DN ô tô, phải đến cuối tháng 7 đến đầu tháng 8.2018 “cơn khát” xe nhập trên thị trường mới phần nào được giải tỏakhi các lô xe của Toyota, Ford, Mitsubishi... được phân phối tại các đại lý. Trong khi đó, một số chuyên gia dự báo thị trường ô tô Việt Nam sẽ sôi động trở lại trong giai đoạn cuối năm, khi nguồn cung xe nhập khẩu dồi dào hơn.
Theo Thanh niên
Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đến 20/11 năm nay.
Trong 7 quốc gia được AAF theo dõi thì Indonesia và Thái Lan là 2 thị trường dẫn đầu về sản xuất và tiêu thụ ô tô trong quý 1/2023.
Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính nghiên cứu để đề xuất xuất tiếp tục giảm thuế suất cho ô tô điện và hybrid.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - VAMA đã kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ với dòng xe HEV, PHEV.
Thị trường xe ô tô và xe máy tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN) 6 tháng đầu năm 2021 đều tăng trưởng về sức mua và sản lượng nội địa so với cùng kỳ 2020. Trong đó, lượng xe máy và xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam lần lượt xếp thứ 2 và 4 trong khu vực.