Hơn 2 tháng sau khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chính thức có hiệu lực, thị trường ôtô trong nước có nhiều xáo trộn.
Số lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc sụt giảm, có những giai đoạn chỉ có 1-2 chiếc xe cập cảng, thuế thu từ ôtô cũng kéo theo đó đi xuống. Các nhà sản xuất ôtô lớn trên thế giới than thở về những điều kiện bất hợp lý, gây khó khăn khi nhập khẩu.
Ở cùng chiều hướng “than vãn”, nhưng Honda là hãng xe đầu tiên có được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô do Chính phủ Thái Lan cung cấp cho xe xuất khẩu từ nước này vào Việt Nam. Đây là loại giấy tờ quan trọng nhất, chìa khóa để mở cánh cửa vốn gần như khép lại với xe nhập khẩu từ Thái Lan.
Sau khi Honda “vượt qua” được phần khó nhất của Nghị định 116, nhiều người đặt câu hỏi, liệu những quy định có thực sự gây khó khăn cho các nhà sản xuất ôtô hay không? Honda liệu có mở đầu cho một loạt doanh nghiệp vượt qua được những rào cản trên.
Chỉ khó về mặt hành chính trong ngắn hạn
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất ôtô, người từng làm cho Volkswagen, ông Nguyễn Minh Đồng, cho rằng Nghị định 116 chỉ tạo ra rào cản cho những người buôn bán nhỏ, chứ không phải là rào cản cho Toyota, Honda, Ford, Hyundai…
Chuyên gia cho rằng Nghị định 116 chỉ tạo ra rào cản ban đầu cho ôtô nhập khẩu vào Việt Nam. Ảnh: Liêu Lãm.
“Đây chỉ là những biện pháp hành chính, không thể cản được những hãng lớn. Bằng chứng là Chính phủ Thái Lan đã sớm cấp giấy cho Honda. Sắp tới Indonesia cũng sẽ cấp giấy cho các doanh nghiệp sản xuất xe tại nước này để vào Việt Nam”, ông Đồng nói.
Chuyên gia này cũng cho biết cách đây khoảng 3 năm, các hãng xe lớn trên thế giới đã đầu tư lớn tại Thái Lan và Indonesia để nhắm vào thị trường Việt Nam khi thuế suất khu vực ASEAN về 0% đầu năm 2018. Với khoản đã đầu tư lớn, việc bỏ qua thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam là điều không hãng xe nào làm.
Như vậy, các hãng xe sẽ làm nhiều cách, thậm chí là kiến nghị Chính phủ một số nước khác tạo điều kiện để họ đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam.
“Ở đó có công ăn việc làm, nguồn thu thuế nên Chính phủ một số nước cũng sẽ lắng nghe để hỗ trợ doanh nghiệp thôi”, ông Đồng nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng Ban kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam, cho biết khi lô xe đầu tiên của Thái Lan đáp ứng được yêu cầu khắt khe của Nghị định 116 thì những lô sau cứ thế về Việt Nam. Ông cho rằng các nhà sản xuất xe hơi chỉ gặp khó khăn lần đầu áp dụng Nghị định. Trong khi đó, một số nước khác cũng đang xem xét nới lỏng các quy định để phù hợp xuất khẩu xe sang Việt Nam.
“Chính sách này chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định. Các hãng xe nước ngoài sẽ đối phó được thôi. Cần có chính sách thuế mới lâu dài chứ không phải là biện pháp hành chính. Những cái gì hành chính thì họ cũng dùng biện pháp hành chính để đáp ứng”, ông Tuấn nói.
Gỡ bỏ hay giữ Nghị định 116?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng phát biểu Việt Nam rất mong muốn có một ngành công nghiệp, có sản phẩm phục vụ lợi ích chính mình, cũng mong muốn được tự hào về thương hiệu quốc gia. Ông nhấn mạnh mong muốn của Việt Nam là muốn có thương hiệu về ôtô.
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam, thì những điều khoản của Nghị định 116 là chưa đủ, thậm chí là cần phải bổ sung thêm.
“Nếu muốn tạo điều kiện cho nền sản xuất trong nước, không thể áp dụng Nghị định 116 mà cần sửa đổi. Cái này không phải là rào cản với những hãng lớn. Như Honda đã lấy được giấy từ Thái Lan, rồi tiếp theo là các hãng khác từ Indonesia. Nó sẽ chỉ làm tăng giá bán, ảnh hưởng túi tiền của chính người tiêu dùng, chỉ hạn chế cho những nhà nhập khẩu nhỏ bé thôi”, ông Đồng nói.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng không đồng tình với việc Nghị định 116 có thể sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam, và cho rằng cần điều chỉnh lại một số quy định chưa thực sự hợp lý vào thời điểm này.
Ví như giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô do Chính phủ nước xuất khẩu cung cấp cho xe xuất khẩu từ nước này không phải là thông lệ quốc tế, và gây khó khăn cho các hãng.
“Đây không phải là giấy phép theo thông lệ. Thực chất giấy đó như giấy chứng nhận của nước xuất khẩu với xe của hãng trước khi xuất vào nước ta. Thường thì tại các nước, chính hãng xe là đơn vị kiểm tra chất lượng xe trước khi xuất xưởng. Nước xuất khẩu không phải không biết kiểm tra, vấn đề là họ không biết kiểm tra theo tiêu chuẩn nào. Ví như xe của Việt Nam xuất đi cũng có ai yêu cầu Việt Nam phải kiểm tra ban đầu đâu. Thường thì nước nào nhập thì kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn của nước đó”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, trong một phát biểu gần đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, cho biết nhiều quy định tại Nghị định đã được áp dụng từ lâu. Ông ủng hộ Nghị định, không cần phải sửa chữa hay loại bỏ như đề xuất của nhiều doanh nghiệp ngoại. Vị này cho rằng Nghị định sẽ tạo ra sự công bằng cho các doanh nghiệp ôtô trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng từng khẳng định việc ban hành Nghị định 116 là tiến bộ lớn của Chính phủ. Sau khi nghe các ý kiến tranh luận, ông cũng cho biết Chính phủ sẽ họp các bộ ngành liên quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề, sau đó đề xuất với Thủ tướng giải pháp sửa đổi, bổ sung cho hợp lý mục tiêu tạo sự bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh.
Muốn làm ôtô nội, cần gì?
Chuyên gia Nguyễn Minh Đồng nhấn mạnh về lâu dài, muốn sản xuất được ôtô thì Việt Nam cần miễn thuế VAT cho các linh kiện sản xuất trong nước, khuyến khích lắp ráp nội địa. Các doanh nghiệp sản xuất xe thấy nơi nào làm với giá thành rẻ hơn thì sẽ chuyển nhà máy tới. Thị trường Việt Nam trên 90 triệu dân mà mới có 2 triệu xe hơi là điều mà nhà sản xuất nào cũng mong muốn chiếm lĩnh.
Chuyên gia cho rằng muốn phát triển ôtô nội, Việt Nam cần nhiều chính sách khác chứ không phải chỉ là Nghị định 116. Ảnh: Thế Anh.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh các biện pháp hành chính sẽ không duy trì được lâu. Thay vào đó cần giảm thuế để chi phí sản xuất tại Việt Nam rẻ, khi đó cả Nhà nước và người tiêu dùng đều được hưởng lợi.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì đề xuất không nhất thiết Việt Nam phải có thương hiệu ôtô mà vẫn có nền sản xuất mạnh. Ông lấy ví dụ Thái Lan không cố gắng tạo ra một thương hiệu ôtô trong nước, nhưng họ cố gắng tạo ra điều kiện kinh doanh tốt nhất, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ôtô, qua đó nâng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 70%.
Công nghiệp phụ trợ giúp ôtô Thái Lan để lại giá trị gia tăng cao cho đất nước này. Ngoài ra, nó giúp cho công nghiệp cơ khí phát triển và lan tỏa nhiều ngành khác. Khi cần, Thái Lan vẫn có thể sản xuất được ôtô nhờ đẩy mạnh công nghiệp lắp ráp.
“Không nhất thiết phải phát triển ngành ôtô trong nước trước thềm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thậm chí trong thời đại hiện nay, ôtô là một ngành lạc hậu. Có chăng chỉ nên khuyến khích các ngành mới như ôtô điện. Việt Nam có thể phát triển nhiều ngành kỹ thuật cao khác nhau. Tôi cũng không đồng tình với việc bảo hộ bất cứ ngành nào. Cứ ngành nào được bảo hộ là ngành đó kém phát triển”, ông Hiển nói.
Theo Zing
Hầu hết các phiên bản của Honda City thế hệ mới đều có mức ưu đãi gồm tiền mặt và phụ kiện lên tới gần 50 triệu đồng.
Làn sóng ô tô điện Trung Quốc bắt đầu tràn về Việt Nam với các mẫu xe cỡ nhỏ. Sau Wuling Hongguang Mini EV, một mẫu ô tô điện cỡ nhỏ khác cũng theo chân về Việt Nam nhưng không rõ nhãn hiệu.
Theo thông tin từ các đại lý chia sẻ thì Honda CR-V thế hệ thứ 6 dự kiến có mặt trên thị trường Việt Nam vào cuối 2023, tiếp tục lắp ráp trong nước.
Mẫu xe tay ga bán chạy nhất của Honda đang giảm giá mạnh sau khi tăng giá vào hồi đầu tháng 6 vừa qua.
Honda CR-V và Mazda CX-5 là hai mẫu xe đang có độ “hot” nhất trong phân cùng phân khúc, luôn đứng trong top đầu xe bán chạy, lại cùng đến từ Nhật Bản.