Tin xe, - 11/03/2019 02:50 PM
Không quảng bá rầm rộ mà nhờ vào lợi thế giá rẻ, mẫu mã đẹp, công nghệ vay mượn của các hãng xe nổi tiếng, ôtô Trung Quốc đang chen vào thị trường Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2018, lượng xe con Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đạt khoảng 800 chiếc, chủ yếu là dòng xe du lịch đa dụng (SUV) dưới 9 chỗ ngồi, mang các thương hiệu nội địa Trung Quốc. Tuy chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng xe nhập của Việt Nam song giới chuyên gia nhận định dòng xe con nội địa của Trung Quốc bắt đầu nhận được sự quan tâm của thị trường.

Ông Fred Burke, đại diện Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nhận định nếu như các tập đoàn xuyên quốc gia chuyên lắp ráp và sản xuất xe tại Trung Quốc không coi Việt Nam là thị trường cần chú ý thì các hãng xe nội địa ở đây lại cực kỳ để mắt đến nước láng giềng. Nguyên nhân bởi Việt Nam được đánh giá là nơi có thu nhập đang tăng và nhu cầu mua ôtô ngày một lớn.

Thực tế, việc hàng loạt showroom xe Trung Quốc được xây dựng lại tại Việt Nam và tích cực đẩy mạnh tiếp thị cho thấy mục tiêu tiến công vào thị trường Việt rất rõ của các hãng xe này.

Các hãng ôtô Trung Quốc âm thầm tiếp cận những khách hàng Việt dễ tính nhờ giá rẻ, kiểu dáng đẹp và công nghệ hiện đại của châu Âu. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Đại diện Max Motor - nhà phân phối 2 thương hiệu xe hơi Trung Quốc Zotye và BAIC tại thị trường Việt Nam - cho biết chỉ sau vài tháng tiêu thụ 2 dòng xe trên, doanh thu đã đạt hơn mong đợi. Khách hàng đặt mua xe ngày càng nhiều vì mẫu mã đẹp, nhiều tiệc ích, giá cả hợp lý. Tại

TP HCM, nhà phân phối này đã đưa vào hoạt động một showroom ở huyện Bình Chánh từ năm ngoái và bày bán các dòng xe SUV loại 5 chỗ với tên Q7, Z8. Giá bán bao trọn gói với Z8 là 745 triệu đồng, Q7 là 675 triệu đồng, được đánh giá là khá hợp lý. Đặc biệt, các dòng xe nêu trên có hình dáng tương tự một số mẫu xe sang như Porsche, Range Rover của châu Âu nên khá bắt mắt. Nhà phân phối này đang có ý định mở rộng kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đại diện Auto DongFeng Vietnam (quận Thủ Đức, TP HCM; đang kinh doanh nhiều dòng ôtô thương hiệu Joyear của Tập đoàn Ôtô Đông Phong, Trung Quốc) cho biết đã giới thiệu các dòng xe về Việt Nam từ năm 2017. Đến cuối năm 2018, Auto DongFeng Vietnam nhập và tiêu thụ được vài chục xe.

"Trong tháng 3 này, chúng tôi tiếp tục thông quan hơn 30 ôtô dòng SUV 5 chỗ Joyear X5. Hiện tại, showroom vẫn còn một dòng xe sedan Joyear S50 có giá bán chỉ 179 triệu đồng, Joyear X5 giá bán 619 triệu đồng" - đại diện Auto DongFeng Vietnam thông tin.

Theo một số đại lý, hầu hết các dòng xe nội địa Trung Quốc không tự chủ được về máy móc, công nghệ. Tất cả đều được sản xuất chính hãng từ Nhật, Thụy Điển, Đức… nên chất lượng khá ổn định. Đây chính là một ưu thế của xe Trung Quốc để thuyết phục một bộ phận khách hàng không quá khó tính trong việc tìm chiếc xe phù hợp nhu cầu và túi tiền.

Giới kinh doanh ôtô cũng cảnh báo với lợi thế giá rẻ, nhiều tiện ích, công nghệ, máy móc châu Âu, ôtô Trung Quốc có thể sẽ "uy hiếp" các hãng sản xuất xe tại Việt Nam. Vấn đề còn lại chính là cảm tình của người tiêu dùng Việt với ôtô có xuất xứ hoặc mang thương hiệu Trung Quốc.

Một doanh nghiệp nhập khẩu ôtô Trung Quốc nhận định mất rất nhiều thời gian để khách hàng làm quen và tin tưởng xe Trung Quốc. Phần lớn khách hàng chọn mua một chiếc xe cũ của thương hiệu lớn từ Nhật, Hàn… chứ không sẵn sàng mua xe mới xuất xứ Trung Quốc. Bởi vậy, doanh số chỉ loanh quanh ngưỡng vài trăm chiếc mỗi năm.

"Đối tác Trung Quốc bày tỏ quan điểm coi Việt Nam là thị trường ngách cho dòng xe nội địa nên rất muốn xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản và lâu dài. Chúng tôi cũng phải phối hợp lên kế hoạch tiếp cận khách hàng, như cho mượn xe dùng thử, mua lại xe cũ, nghiên cứu thị hiếu để nhập phiên bản phù hợp, đề nghị công ty mẹ chia sẻ chi phí để duy trì giá bán cạnh tranh cũng như yêu cầu hãng nâng cao chất lượng" - đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Bất lợi về thuế suất

Theo tìm hiểu của phóng viên, xe Trung Quốc đang chịu bất lợi về mặt thuế quan so với ôtô có xuất xứ từ các thị trường khác do áp dụng theo thuế suất của các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với mức thấp nhất là 47%, còn lại đều trên 50%.

Chưa kể, theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và Trung Quốc (ACFTA), ôtô, xe máy là sản phẩm duy trì thuế suất cao hoặc không cam kết cắt giảm thuế quan (trừ xe tải 6-10 tấn). Trong khi đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam đã giảm xuống 0%. Do vậy, áp lực cạnh tranh về giá của các hãng xe nội địa Trung Quốc là rất lớn.

Theo Người Lao động

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.