Tin xe, - 15/04/2014 12:48 AM
Ngành sản xuất ôtô Thái Lan đang hướng đến Top 10 thế giới, trong khi đó Việt Nam vẫn đang cãi nhau, chưa thể ban hành chính sách phát triển.

Theo một số nguồn tin, tập đoàn ôtô Volkswagen (Đức) đang thực hiện kế hoạch đầu tư lớn vào Đông Nam Á. Mới đây, Volkswagen đã nộp đơn xin xây dựng nhà máy sản xuất ôtô tại Thái Lan, theo chương trình hỗ trợ của nước này.

Nhà đầu tư bỏ Việt Nam

Thái Lan có chương trình miễn thuế cho DN sản xuất ôtô khi đầu tư từ 200 triệu USD trở lên, đạt sản lượng 100.000 xe sau 4 năm chính thức hoạt động sản xuất vào năm 2019. Vì thế, nhiều khả năng Volkswagen sẽ đầu tư hơn 200 triệu USD để được miễn thuế.

Chiến lược "hướng đông" của Volkswagen đã được chuẩn bị từ lâu. Năm 2008, Volkswagen từng tiết lộ Việt Nam sẽ là một trong số các quốc gia Đông Nam Á được nhắm tới để thiết lập "cứ điểm". Tuy nhiên, đến nay chưa thấy động tĩnh nào hiện thực hóa điều này.

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki, cho đến năm 2010, đại diện Volkswagen Châu Á còn tới thăm và làm việc với Vinaxuki để tìm hiểu đầu tư sản xuất ôtô tại Việt Nam. Nhưng nay họ cũng thôi luôn.

Có lẽ Volkswagen đã chuyển "cứ điểm" sang Indonesia rồi, bởi vào tháng 8/2013, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia đã khẳng định đến năm 2017 Volkswagen sẽ hoàn thành nhà máy sản xuất xe hơi tại quốc gia này với vốn đầu tư lên tới 260 triệu USD.

Trong khi các tập đoàn ôtô lớn không có ý định đầu tư vào Việt Nam thì có dự án lớn vừa mới manh nha đã bị dừng lại. Đó là Nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai - Trường Hải với vốn đầu tư 185,5 triệu USD.

Ban đầu, các bên muốn muốn đây là một liên doanh giữa Hyundai (Hàn Quốc) và Trường Hải với tỷ lệ chiếm giữ của phía đối tác nước ngoài là 51%. Một bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết tại Hà Nội vào tháng 8/2011.

Tuy nhiên, hợp đồng ký kết lần 2 sau đó ở Hàn Quốc, dự án chỉ còn lại một mình Trường Hải đầu tư, đối tác Hyundai chỉ chuyển giao công nghệ sản xuất.

Tuy nhiên, đến đầu 2014, Hyundai đã thông báo tạm dừng với lý do thời hạn ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa hai bên đã kết thúc và do dự án kéo dài, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á của tập đoàn này.

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Trường Hải, do nhà máy động cơ Hyundai tại Hàn Quốc quá tải nên Hyundai có ý định đặt nhà máy sản xuất động cơ tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường Đông Nam Á. Hyundai hợp tác với Trường Hải, dự kiến khởi động dự án vào năm 2011, khi đó thị trường rất tốt. Dự án cũng được đưa vào Chương trình cơ khí trọng điểm của Nhà nước và được vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên thời gian làm thủ tục vay vốn kéo dài khiến cho dự án chậm triển khai.

Theo đúng kế hoạch thì cuối năm 2012 giai đoạn 1 nhà máy hoàn thành và đi vào sản xuất động cơ tiêu chuẩn Euro 2, 3. Và sau 5 năm sẽ chuyển lên tiêu chuẩn Euro 4 và 5 theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên do kế hoạch bị chậm phải đến 2015 mới đi vào sản xuất, khi đó chỉ còn 2 năm không chuyển đổi kịp. Trường Hải cũng xin Chính phủ cho dự án tiếp tục sản xuất động cơ Euro 2 và 3 đến hết 2018, nhưng đến tháng 12/2013 Chính phủ mới đồng ý và thời gian không còn nên Hyundai đã quyết định tạm ngừng.

Năm 2016 dự án này sẽ được xem xét lại. Tuy nhiên, đến 2016 liệu Hyundai còn có hứng thú với dự án này, hay lại chuyển qua một một quốc gia Đông Nam Á khác, có nhiều ưu đãi hơn?.

Mờ mịt sản xuất linh kiện

Đến nay, Indonesia, Thái Lan và Malaysia đang phát triển sản xuất linh kiện rất mạnh mạnh nhờ ưu đãi của Chính phủ các nước này.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan, mức tăng trưởng về sản xuất linh kiện ô tô hằng năm tại 3 quốc gia trên đạt 12,9% trong giai đoạn 2010-201. Trong khi đó, cơ hội của các DN linh kiện Việt Nam càng mờ mịt vì quy mô nhỏ hẹp và việc mở cửa thị trường cho xe nhập không còn xa.

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, đầu 2014, đoàn 30 DN Đức đã đến tìm hiểu với ý định tham gia đầu tư vào sản xuất linh kiện tại Việt Nam. Nhưng khi thấy chính sách hiện hành không có ưu đãi gì cho nhà sản xuất, chính sách mới thì chưa ban hành, nên họ ra về và không hẹn ngày trở lại.

Việt Nam đang muốn tham gia vào chuỗi cung cấp linh kiện ôtô khu vực và toàn cầu nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra chính sách hữu hiệu nào để thu hút các nhà sản xuất.

Đầu năm 2011, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 12/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có lĩnh vực ô tô. Nhưng đến nay, chưa có DN nào, dự án nào xin được ưu đãi theo quyết định này, bởi nó vừa chung chung lại vừa khó đáp ứng các tiêu chuẩn và thủ tục quá phức tạp.

Trong khi đó, Bản quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 do Bộ Công thương vừa soạn thảo, cũng đã đề xuất 1 số chính sách ưu đãi với các DN đầu tư vào sản xuất ô tô, cùng linh kiện, nhưng gấn 2 năm nay chưa được ban hành, vẫn chỉ là dự thảo.

Trong khi chúng ta mải loay hoay với dự thảo thì Thái Lan đã và đang sáng chế ra những sản phẩm xe mới, tiêu thụ ít nhiên liệu hơn, giá rẻ hơn và không quên dự định xuất khẩu. Năm 2013 sản lượng ô tô của Thái Lan đạt 2,5 triệu chiếc và đang phấn đấu lọt top 10 quốc gia sản xuất ô tô lớn nhất thế giới với con số 3 triệu xe vào năm 2015.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.
Tags: ô tô