Xe nhập thống lĩnh
Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2019 đã có 1,42 tỷ USD được chi ra để nhập khẩu 64.795 xe ô tô nguyên chiếc từ nước ngoài, tăng mạnh so với các năm trước đó.
Thái Lan chiếm vị trí số một về xuất khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam với 38.386 xe, trị giá 762 triệu USD; tiếp theo là Indonesia với 19.477 xe, trị giá 276 triệu USD. Như vậy Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ ô tô lớn cho Thái Lan và Indonesia.
Nhờ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mức 0%, giá ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia khá rẻ nên ngày càng có lợi thế, cạnh tranh mạnh với xe trong nước. Tính đến nay, nhiều dòng xe bán chạy trên thị trường hoàn toàn do xe nhập khẩu chiếm lĩnh. Chẳng hạn như dòng xe pick up, từ hơn 5 năm về trước đã không còn mẫu nào được sản xuất lắp ráp tại Việt Nam. Hiện tại, với doanh số bán khoảng 20.000 xe/năm, hầu hết đều được nhập khẩu từ Thái Lan.
Thị trường xe cỡ nhỏ, phân khúc hạng A đến nay cũng bắt đầu chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ xe nhập khẩu như Toyota Wigo, Honda Brio, giá rẻ ngang ngửa và thương hiệu mạnh, đang thách thức sự thống trị của xe sản xuất lắp ráp trong nước như Hyundai i10 và Kia Morning.Một dòng xe khác là MPV lai SUV, 7 chỗ, động cơ 1.5L đang bị xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia chiếm lĩnh thị trường. Mặc dù mới xuất hiện gần 1 năm nay, nhưng những cái tên như Mitsusbishi Xpander, Toyota Rush (sắp tới là Honda BR-V) đã ngay lập tức thống lĩnh thị trường ở phân khúc mới này. Với hàng nghìn xe bán ra mỗi tháng, hiện vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu và cũng không có mẫu xe nào có ý định sản xuất lắp ráp tại Việt Nam, dù sản lượng lớn.
Thời gian qua, một số mẫu xe ăn khách như Honda CR-V, Civic, Toyota Camry,... đã chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc thay vì lắp ráp trong nước. Sắp tới, dự kiến một số mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước, thuộc phân khúc hạng C như Toyota Altis, Ford Focus,... cũng sẽ theo bước Honda Civic chuyển sang nhập khẩu.
Xe nhập khẩu xe nguyên chiếc vẫn về nước với số lượng lớn (khoảng 11.000-14.000 xe/tháng) từ nhiều tháng nay. Bên cạnh đó, nhu cầu về ô tô của người dân vẫn tăng đều, nhưng xe trong nước ngày càng yếu thế. Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán hàng 5 tháng đầu năm 2019 đạt 119.497 xe các loại, tăng 18% so với cùng kỳ 2018, trong đó xe cá nhân đạt 89.591 chiếc, tăng 33% so với cùng kỳ 2018. Song, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 14%, trong khi xe nhập khẩu tăng 210% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi vượt qua rào cản Nghị định 116, vào giữa năm 2018, đến nay ô tô nhập khẩu nguyên chiếc giá rẻ từ Thái Lan và Indonesia cứ liên tục tràn vào. Xe nhập khẩu từ hai quốc gia này đã chiếm tới trên 80% lượng xe nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2019.
Thái Lan và Indonesia hưởng lợi?
Xe nhập giá rẻ tràn vào, cạnh tranh khiến cho xe trong nước khó tăng sản lượng. Nhà máy ô tô Mazda tại Chu Lai (Quảng Nam) khánh thành từ 3/2018 với công suất 50.000 xe/năm giai đoạn 1, nhưng một năm qua chỉ đạt sản lượng trên 30.000 xe. Vì vậy, Mazda vẫn chưa đầu tư giai đoạn 2 nâng công suất lên 120.000 xe theo kế hoạch. Còn Hyundai Thành Công có kế hoạch đầu tư nhà máy mới, công suất 120.000 xe, theo dự kiến ban đầu sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2019, nhưng nay đã chậm lại.
Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô trong nước, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá đối với dòng xe cá nhân đến dòng xe 9 chỗ ngồi mới đạt bình quân khoảng 7-10%, so với mục tiêu đề ra đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 đã thất bại.
Có tới 80-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện ô tô vẫn phải nhập khẩu, với giá trị nhập khẩu khoảng 2-3,5 tỷ USD. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa ô tô, của các nước trong khu vực trung bình đã đạt mức 65-70%, riêng Thái Lan đạt tới 80%.Công nghiệp hỗ trợ rất yếu kém. Các sản phẩm đã được nội địa hóa, đều mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa,...
Sản lượng ô tô trong nước hàng năm cũng thấp, tuy có sự phát triển vượt bậc nhưng hai năm gần đây mới đạt 250.000 xe/năm. Quy mô các nhà máy chủ yếu ở mức trung bình, công nghệ tự động hóa còn thấp. Chính vì vậy giá xe sản xuất lắp ráp trong nước cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và khó có khả năng cạnh tranh.
Thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng, hiện mới đạt khoảng 23 xe/1.000 dân. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan vào khoảng 80 xe/1.000 dân, còn ở các quốc gia phát triển thì tỷ lệ này từ 200-400 xe/1.000 dân. Vì vậy, nhu cầu về ô tô của Việt Nam sẽ rất cao.
Năm 2018 thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đạt trên 2.600 USD, khi thu nhập bình quân đạt 3.000 USD/người/năm, thị trường ô tô sẽ bùng nổ. Giai đoạn ô tô hóa sẽ diễn ra trong vài năm tới. Dự báo, quy mô thị trường ô tô sẽ đạt con số 500.000 xe/năm sau năm 2020 và 1 triệu xe/năm vào thời kỳ 2030, với doanh số hơn 12 tỷ USD/năm.
Tiềm năng như vậy, nhưng ngành ô tô trong nước liệu có thể nắm bắt được cơ hội và phát triển? Hay Việt Nam sẽ trở thành thị trường lớn cho Thái Lan và Indonesia, giúp họ thu về hàng tỷ USD mỗi năm, đưa ngành công nghiệp ô tô của hai quốc gia này lên tầm cao mới?
Để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gắn liền với mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa, Bộ Công Thương định hướng tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh dự án của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Vinfast,... qua đó, giúp gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới, tăng nội địa hóa, giảm giá thành.
Tuy nhiên, nếu không có những chính sách mang tính đột phá và không sớm ban hành thì cơ hội sẽ không còn.
Theo Vietnamnet
Lần thứ 3 Chính phủ từ chối hỗ trợ với xe nhập khẩu đã buộc các doanh nghiệp phân phối tăng mức ưu đãi, giảm giá để tạo sức hút, cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước.
Những mẫu xe ô tô lắp ráp được ưa chuộng nhất đang đứng trước cơ hội gia tăng doanh số khi chính thức được giảm 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ.
Theo Tổng cục Thống kê, ôtô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam và lượng xe nhập khẩu trong tháng 4.2023 đều có xu hướng sụt giảm. Phần lớn nguyên nhân đến đến từ việc ảnh hưởng kinh tế khiến sức mua giảm khiến nguy cơ tồn kho tăng cao.
KG Mobility, tên gọi mới của SsangYong, vừa ký hợp đồng xuất khẩu xe lắp ráp tại thị trường Việt Nam, với các mẫu xe tập trung ở phân khúc B-SUV, C-SUV và SUV 7 chỗ.
Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện tại chưa phù hợp.