Thị Trường, - 01/01/2016 05:37 PM
Bên cạnh những vụ triệu hồi liên tiếp xảy ra, ô tô thế giới 2015 cũng chứng kiến nhiều sự mới mẻ, những xu hướng sẽ dần trở thành trọng tâm phát triển của các hãng xe trong tương lai.

Nếu cuốn sách với nhan đề ‘‘Unsafe at any speed’’ của Ralph Nader cách đây 50 năm, đã buộc các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới cần nhìn nhận lại yếu tố an toàn và lòng tin đối với khách hàng quan trọng như thế nào. Thì năm 2015 đã đánh dấu những lo lắng ấy lại một lần nữa trở thành sự thật.

Cú “vấp ngã” bất ngờ của Volkswagen

Cái cách mà tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới rơi vào vòng xoáy khủng hoảng lan rộng khiến nhiều người bất ngờ. Chính Volkswagen (VW) chứ không phải cái tên nào khác đã ủng hộ mạnh mẽ động cơ sử dụng nhiên liệu diesel, bằng cách chỉ ra những lợi ích vượt trội của nó về hiệu suất động cơ và mức khí thải thấp.

Nhưng rồi EPA, cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ vào ngày 18.9, cho biết hàng nghìn xe thuộc thương hiệu VW gắn phần mềm gian lận, để qua mặt các đợt kiểm tra về khí thải. Và mọi thứ đã đổ bể dây chuyền như những quân cờ domino: CEO VW, ông Martin Winterkorn phải từ chức trước áp lực quá lớn, nhiều nước khác trên thế giới ra lệnh kiểm tra, ngưng bán các dòng xe có liên quan, VW đối mặt với hàng loạt vụ kiện và án phạt hàng tỷ USD…

Nỗi ám ảnh mang tên túi khí Takata

Như một thứ “gia vị” không thể thiếu, những vụ thu hồi từ kỳ lạ đến nhức nhối vẫn liên tiếp xảy trong năm qua. Dù thực tế, các nhà sản xuất đã giới thiệu hoặc “đính kèm” những quy trình nghiêm ngoặt trước khi xuất xưởng một chiếc xe mới.

Lỗi túi khí Takata đã khiến cho nhiều hãng xe lớn trên thế giới phải một phen lao đao vì “trót” tin tưởng nhà cung cấp đến từ Nhật Bản. An toàn cho người ngồi trên xe lại một lần nữa được nhắc đến, các nhà sản xuất ô tô lại thêm một lần xin lỗi. Riêng Takata, khoản tiền phạt 200 triệu USD đã được cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) đưa ra. Hàng loạt các thương hiệu như Toyota, Honda, Nissan, Mazda, Ford… đồng loạt “quay lưng” khiến doanh thu và uy tín của Takata bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hyundai và những điều mới mẻ

Đầu tháng 11, Hyundai chính thức đưa thương hiệu Genesis lên một tầm cao mới, gắn mác xe hạng sang. Đây là thương hiệu hoàn toàn mới được tạo ra trong năm nay và cũng cho thấy sự vươn lên đầy mạnh mẽ của những hãng xe châu Á, trở thành đối trọng thật sự với những cái tên già rơ của châu Âu và Mỹ như BMW, Mercedes-Benz, Audi, Caddilac…

Với Hyundai, 2015 là một năm đầy ắp khó khăn mà đáng chú ý là vụ thu hồi hàng trăm nghìn xe trên thế giới liên quan đến lỗi động cơ. Nhưng hãng xe Hàn Quốc trước khi bước sang năm mới 2016 cũng có hai dấu ấn đáng nhớ khác. Đó là cột mốc 10 triệu xe bán ra tại Mỹ, thị trường nhiều khả năng sẽ trở lại số 1 sau khi đà tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, khoảng 7%, thấp nhất trong gần 30 năm qua, kéo theo nhu cầu mua ô tô ở đất nước đông dân nhất thế giới sụt giảm. Hay hoàn thiện và sắp ra mắt mẫu xe đầu tiên trên thế giới cung cấp 3 hệ thống truyền động cùng lúc, Hyundai Ioniq.

Toyota trước cơ hội lấy lại ngôi vương doanh số bán xe

Bước vấp ngã của đối thủ chính Volkswagen vô hình trung tạo cơ hội cho Toyota nhiều khả năng lấy lại ngôi vương về doang số bán xe toàn cầu năm 2015. Kết thúc tháng 11, Toyota tiếp tục dẫn đầu doanh thu bán hàng, qua đó lần thứ 5 liên tiếp “lên đỉnh”.

Tính từ tháng 7/2015 đến nay, Toyota đã khẳng định vị thế của mình với số liệu tăng trưởng khả quan và được dự đoán sẽ là hãng xe có doanh thu tốt nhất trong năm 2015. Ngoài yếu tố khách quan, kết quả đầy tích cực ấy có được từ những thế mạnh vốn có của Toyota như đa dạng các dòng xe bình dân, dịch vụ hậu mãi tốt, đi đầu trong việc sản xuất xe thân thiện môi trường và tiết kiệm nhiên liệu… Đáng chú ý, Toyota Prius, mẫu xe hybrid bước sang thế hệ thứ với hơn 3.5 triệu chiếc được bán ra, trở thành mẫu xe lai có doanh số tốt nhất toàn cầu.

Các hãng đầu tư xe chạy điện

Ngày 12.12 tại Paris, thỏa thuận “lịch sử” của 196 nước thành viên trong khuôn khổ Hội nghị về biến đổi khí hậu (COP21) đã thống nhất việc cắt giảm khí thải nhà kính và hỗ trợ phát triển các nguồn nhiên liệu xanh.

Đối với các nhà sản xuất ô tô, năm 2015 cũng đánh dấu chiến lược phát triển mới mà xe chạy điện là trung tâm. Ngoài Tesla, những thương hiệu khác cũng cho thấy tham vọng trong việc phát triển ô tô chạy điện. Porsche đầu tư 1 tỷ Euro (1,09 tỷ USD) cho mẫu xe thể thao chạy điện đầu tiên trên thế giới, Porsche Mission E. Volvo công bố chiến lược phát triển mới, chuẩn bị cho sự ra mắt của mẫu xe điện đầu tiên của hãng vào năm 2019. Trong khi đó, ngoài những cái tên quen thuộc như Nissan Leaf, Chevrolet Volt, Renault ZOE.., những thương hiệu nổi tiếng khác như Toyota, BMW, Audi, Jaguar cũng có kế hoạch phát triển xe điện cho riêng mình.

Cuộc đua xe tự lái bắt đầu

Tương lai của ô tô tự lái không còn xa khi không chỉ các hãng xe đầu tư phát triển mà nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới với tiềm lực tài chính mạnh cũng tham gia cuộc đua này. Tesla, thương hiệu xe chạy điện hàng đầu thế giới, đã đặt ra tham vọng ra mắt xe tự hành trong vòng hai năm tới. Liên minh 3 “ông lớn” Mercedes-Benz, Audi, BMW hợp lực mua công cụ chỉ dẫn bản đồ HERE của Nokia hàng tỷ USD để chuẩn bị cho cuộc đua trước mắt.

Ngoài ra, Toyota và Volvo cũng đang thử nghiệm công nghệ mới này trên những chiếc xe sẽ sớm có mặt trên thị trường. Nhưng đáng chú ý hơn cả là những hãng công nghệ đình đám dù không liên quan đến ô tô nhưng sở hữu nền tảng tài chính và công nghệ vượt trội cũng chen chân vào cuộc đua này. Có thể kể đến như: Google bắt tay với Ford, Samsung hợp tác với BMW, Apple ra mắt mẫu xe đầu tiên vào năm 2019, BlackBerry lấn sân sang lĩnh lực xe tự động bằng những công cụ hỗ trợ và phần mềm tương tác tiên tiến…

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.