Cùng CafeAuto điểm qua Top 8 sự kiện nổi bật thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2017.
1. Nghị định 116/2017
Nghị định 116 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 được chính phủ ban hành quy định cụ thể các điều kiện để doanh nghiệp có thể sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào Việt Nam.
Theo đó, để được kinh doanh ô tô tại Việt Nam doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất và nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hay thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định như: Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp; Có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của: Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hoặc doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài.
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, những quy định mới trong nghị định đều rất chặt chẽ như: Phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam. Khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp sẽ phải duy trì các điều kiện kinh doanh và bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Hiện tại, nghị định này đang vấp phải tranh cãi quyết liệt khi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) liên tục kêu cứu cho xe nhập khẩu, còn Trường Hải và Hyundai Thành Công lại ủng hộ những quy định trong Nghị định 116.
2. Thuế nhập khẩu ô tô về 0%
Theo kế hoạch thì đến ngày 1/1/2018 thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN sẽ giảm về 0%. Đây có lẽ là thông tin khiến nhiều người vui mừng nhất, vì lẽ dĩ nhiên, giá nhiều dòng ô tô nhập khẩu sẽ giảm nhưng giảm nhiều hay ít còn phụ thuộc vào từng loại xe và nhiều yếu tố.
Trong đó, thuế 0% sẽ áp dụng với những loại xe ở phân khúc cao cấp, dung tích xi lanh trên 3.0 và có giá tiền tỷ đồng trở lên. Những loại xe này có thể sẽ được giảm giá từ 200 triệu/chiếc trở lên, tùy vào từng mẫu xe. Bên cạnh đó, để được hưởng ưu đãi thuế suất trong khu vực ASEAN, một mẫu xe bắt buộc phải đạt tỷ lệ nội địa hóa phụ tùng 40%.
3. BWM, FUSO về tay Thaco Trường Hải
Hiện, Thaco là nhà phân phối và sản xuất xe tải và xe khách hàng đầu tại Việt Nam với mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước. Được thành lập từ năm 1997, Thaco tham gia sản xuất linh kiện và lắp ráp xe ô tô tại các cơ sở sản xuất hiện đại, tân tiến. Cho đến thời điểm hiện tại Thaco Trường Hải đã có trong tay 5 thương hiệu xe du lịch gồm Mazda, Kia, Peugeot, BMW và Mini.
Việc Trường Hải đã mạnh tay hợp tác với xe sang BMW và xe thương mại Fuso thuộc Daimler cho thấy rõ mục tiêu phát triển ngành lắp ráp ô tô trong nước. Điều này mang đến nhiều lợi ích cho thị trường ô tô Việt Nam, giá xe rẻ hơn, người tiêu dùng hưởng lợi.
4. Áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 cho ô tô
Theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 01/9/2011, kể từ ngày 01/01/2017, các xe ô tô, mô tô lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở mức 4 (Euro 4).
Trên thực tế, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải ô tô, xe máy theo Quyết định 49/2011 với yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn khí thải tương đương Euro 4 đã được ban hành từ năm 2011, nhưng hiệu lực áp dụng từ năm 2017. Theo lộ trình này, ô tô du lịch, xe bus gắn động cơ diesel sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 từ ngày 1/1/2018; xe ô tô tải chạy dầu diesel tới năm 2022 mới phải áp dụng.
Tuy nhiên, từ 1/1/2017, Cục Đăng kiểm đã dừng việc cấp phiếu xuất xưởng cho các xe ô tô có sử dụng động cơ diesel được nhập khẩu trong năm 2017. Việc này đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh ô tô.
5. Triển lãm ô tô Việt Nam 2017
Sự góp mặt của 2 triển lãm ô tô lớn nhất trong năm là Triển lãm ô tô Việt Nam và Triển lãm ô tô quốc tế Việt Nam cũng là một điểm nhấn không thể không nhắc đến trong năm 2017 vừa qua.
Trong đó, Triển lãm ô tô Việt Nam với chủ đề “Kết nối công nghệ, chuyển động thông minh”, quy tụ 12 thương hiệu xe du lịch và xe thương mại diễn ra từ ngày 2-5 tháng 8 năm 2017, VMS nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong cuộc sống hiện đại.
VMS 2017 có khoảng 80 mẫu xe trưng bày, trong đó có một số mẫu xe hoàn toàn mới lần đầu được giới thiệu tại Việt Nam như Toyota Alphard, Suzuki Celerio, Chevrolet Traiblazer, Honda Jazz, Mercedes-Benz GLA 2017…
6. Triển lãm ô tô quốc tế Việt Nam 2017
Đối với Triển lãm ô tô quốc tế Việt Nam 2017, sự góp mặt của các thương hiệu quen thuộc như Audi, Jaguar, Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru và Volkswagen và những cái tên mới như DFM, SsangYong, Volvo, Harley-Davidson, Triumph và Royal Enfield được quy tụ trong khu vực triển lãm 10.000 m2.
Tại triển lãm, một số mẫu xe mới sẽ ra mắt tại VIMS 2017 đã được ra mắt như: Audi TT, Audi Q3, Volkswagen Passat BlueMotion 2017, Volkswagen Beetle Dune 2017, The New Volvo XC60, Subaru XV 2.0is, SsangYong G4 Rexton, du thuyền Flyer 7.7. Tuy nhiên, triển lãm năm nay lại không tạo được sức hút và kém hấp dẫn khi thiếu hụt về cả lượng và chất.
7. VinFast ra đời
Ngày 2/9/2017, Vingroup đã khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại xã đảo Đồng Bài (Cát Hải, Hải Phòng), tổ hợp VinFast có quy mô 335 ha, sản xuất ô tô động cơ đốt trong, ô tô điện và xe máy điện, tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 3,5 tỷ USD.
Với bản kế hoạch được đánh giá chi tiết và khá bài bản lên tới 3,5 tỷ USD, Vingroup đã một lần nữa thổi bùng ngọn lửa hy vọng về giấc mơ sản xuất ô tô thương hiệu Việt. Kế hoạch của Vingroup sẽ cho ra đời sản phẩm xe máy điện đầu tiên sau 12 tháng từ ngày khởi công và sau 24 tháng, chiếc ô tô “made in Vietnam” đầu tiên sẽ ra thị trường. Theo lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nếu Vingroup đạt được đúng kế hoạch đặt ra thì đây sẽ là một kỳ tích.
8. BOT Cai Lậy gây chấn động
BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 1/8, nhưng ngay sau đó các tài xế cho rằng trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 là không hợp lý, mức thu phí quá cao nên phản đối bằng cách đưa tiền lẻ, gây kẹt xe, buộc chủ đầu tư phải nhiều lần xả trạm.
Vụ việc diễn biến căng thẳng, gay gắt và khó kiểm soát, đến ngày 16/8, Bộ GTVT đã họp, thống nhất giảm giá vé qua trạm BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, các tài xế cho rằng, việc giảm giá vé này chưa thoả đáng, phải dời trạm thu phí vào tuyến tránh.
Đến ngày 30/11, BOT Cai Lậy thu phí trở lại sau hơn 3 tháng xả trạm. Tuy nhiên, một lần nữa các tài xế phản ứng dữ dội, dùng các chiến thuật như “25-1”, “quên đem tiền”, không mua vé… khiến BOT Cai Lậy phải xả trạm liên tục.
Trước tình hình này, tối 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định dừng thu phí 1-2 tháng dự án này, yêu cầu Bộ trưởng GTVT có báo cáo toàn diện, đề xuất phương án trình Chính phủ quyết định.
Hiện nay, người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng các sản phẩm có nguồn năng lượng xanh. Thị trường ô tô cũng không ngoại lệ, những mẫu xe ô tô sử dụng động cơ điện đang dần thay thế cho động cơ xăng.
Hiện nay, người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng các sản phẩm có nguồn năng lượng xanh. Thị trường ô tô cũng không ngoại lệ, những mẫu xe ô tô sử dụng động cơ điện đang dần thay thế cho động cơ xăng.
Thị trường xe ô tô giá rẻ của Việt Nam ngày càng sôi động khi có nhiều mẫu xe ra mắt, gia tăng sự lựa chọn cho khách hàng.
Dù hãng và đại lý có nhiều ưu đãi mạnh nếu xét giá trị thực còn tốt hơn cả hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ chính phủ sắp có hiệu lực nhưng doanh số bán hàng vẫn giảm mạnh.
Sang tháng 6 và tháng 7, nhiều mẫu ô tô mới từ nhiều phân khúc như hatchback cỡ A, sedan cỡ B, MPV cho đến SUV/crossover cỡ C, cỡ D hứa hẹn sẽ ra mắt thị trường xe Việt Nam. Hầu hết các mẫu xe mới sắp ra mắt là thuộc dòng xe phổ thông.