Nguy hiểm khôn lường khi tích trữ xăng tại nhà
Xăng dầu là loại chất nguy hiểm cháy nổ cao và có tính chất lý, hóa đặc biệt, nếu được tích trữ trong các can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp, với đặc tính của xăng dầu thì rất dễ dẫn đến hỏa hoạn, cháy nổ.
Tại các hộ gia đình, việc bảo quản xăng dầu thường đặt ở các khu vực tầng hầm hoặc tầng 1, gần nguồn lửa, nguồn nhiệt của nhà. Các khu vực này thường không được ngăn cách độc lập với khu vực xung quanh và không có thiết bị điện chuyên dụng đảm bảo an toàn chống cháy, nổ.
Nếu xảy ra sự cố cháy nổ, đám cháy lan rất nhanh (vận tốc cháy lan theo bề mặt có thể đạt đến trên 40m/phút), tỏa ra nhiều khói, chất độc gây nguy cơ tử vong của người trong nhà rất cao.
Vậy, bảo quản, tích trữ xăng thế nào là an toàn?
Theo khuyến cáo mới nhất của Cục Cảnh sát PCCC, trường hợp hộ gia đình đã tích trữ xăng dầu cần bảo quản ở khu vực độc lập (kho riêng), tuyệt đối không tồn chứa xăng dầu trong khu vực có người ở.
Bên cạnh đó, khu vực này phải tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và thông thoáng để giảm sự bốc hơi, tích tụ của hơi xăng dầu. Mặt khác, trong khu vực chứa xăng dầu cần lắp các thiết điện điện (công tắc, bóng đèn…), cần có biện pháp ngăn chặn tối đa việc xăng dầu, tràn ra ngoài, cách xa nguồn sinh lửa, nguồn nhiệt.
Đáng chú ý, cần có cảnh báo ngăn cách và cảnh báo để trẻ em và người khác không tiếp cận được khu vực tồn chứa xăng dầu.
Nếu “găm” xăng dầu, sẽ bị xử phạt thế nào?
Theo quy định của pháp luật, Điều 47, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hành vi găm xăng, dầu sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Đặc biệt, người nào có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, hành vi tích trữ số lượng lớn xăng, dầu nhưng không bán ra ngoài cho người tiêu dùng thì có thể bị xử lý hình sự về tội đầu cơ.
Cụ thể, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo được Nhà nước định giá có trị giá từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng, nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 - 300 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Khảo sát tại một số cây xăng tại quận Gò Vấp, TP.HCM, người dùng cầm chai lọ mua xăng về tích trữ sẽ đều bị từ chối. Anh Khoa, nhân viên bán xăng cho biết: “Chúng tôi tuyệt đối không được phép bán xăng cho trường hợp mua về tích trữ.”
Anh Tâm, chủ garge sửa chữa xe cũ tại quận 5. TP HCM cho biết: “ Nếu có nhu cầu sửa chữa xe, chúng tôi chỉ mua một lượng vừa đủ chứ không nghĩ đến chuyện tích trữ xăng, dầu. Rất nguy hiểm.”
Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với chính quyền các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, các cửa hàng không bán hàng mà không có lý do chính đáng,... để xử lý.