Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, hơn 90% người dân Thủ đô đồng ý cấm xe máy vào năm 2030 là tín hiệu vui cho thấy sự chuyển biến tư tưởng, người dân đã thấm được cảnh tắc đường, khói bụi do xe máy gây ra.
Kết quả lấy phiếu khảo sát các hộ gia đình tại 30 quận, huyện của Công an thành phố Hà Nội mới đây cho thấy, có 90,35% người dân ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy. Về vấn đề này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.
- Kểt quả khảo sát tại 30 quận, huyện của Hà Nội cho thấy, có 90,35% số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy. Ông đánh giá thế nào về kết quả khảo sát này?
Hơn 90% người dân Hà Nội được khảo sát đồng ý cấm xe máy vào nội đô năm 2030. (Ảnh: internet)
Bản thân tôi không bất ngờ với kết quả của cuộc khảo sát này, hơn 90% người dân đồng tình là đúng. Cuộc khảo sát lần này được Công an thành phố Hà Nội thực hiện chặt chẽ, có chứng cứ, có phiếu khảo sát nên tôi tin vào kết quả khảo sát này.
Theo tôi, việc hơn 90% người dân Hà Nội đồng ý cấm xe máy vào nội đô năm 2030 là tín hiệu vui cho thấy sự chuyển biến tư tưởng của người dân.
Người dân Hà Nội đã thấm đòn cảnh ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường do xe máy. Môi trường Thủ đô ô nhiễm đã làm chất lượng cuộc sống của người dân giảm đi, sức khỏe và sinh hoạt khó khăn hơn.
Khi nhìn thấy điều này, họ có nhu cầu cải thiện đời sống hơn nên họ đã đồng tình với kế hoạch cấm xe máy vào nội thành. Chính cuộc sống hiện tại của người dân đã khiến họ mong muốn cấm xe máy chứ không phải là áp lực hay mệnh lệnh từ chính quyền.
Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy rằng, người dân đã nhận thức được đã đến lúc họ phải từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng với giá thành rẻ hơn, an toàn hơn, bảo vệ môi trường hơn.
- Cũng theo khảo sát, hơn 70% người dân kiến nghị ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông. Việc làm này theo ông có thật sự cần thiết?
Về vấn đề này, bản thân tôi thấy cần phải nghiên cứu kỹ, bàn bạc thêm. Việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để tránh ùn tắc không phải là vấn đề mới, trước đây đã từng làm nhưng chưa thành công. Phải nghiên cứu thế nào để phù hợp với thời tiết của nước ta, điều kiện sinh hoạt của người dân.
Tôi tin rằng, vấn đề này sẽ được giải quyết khi mức sống của người dân được nâng lên. Còn hiện tại nếu muốn thực hiện sẽ rất khó vì hiện giờ giấc, sinh hoạt đã thành thói quen, không dễ gì thay đổi được.
Chuyên gia giao thông cho rằng, đề án cấm xe máy vào nội đô Hà Nội vào năm 2030 là khoa học và có tính khả thi. (Ảnh: Internet)
- Trong lộ trình cấm xe máy của Hà Nội có đưa ra phương án thu hồi xe quá đát, đề xuất mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ. Ông có ý kiến gì về các phương án này?
Những giải pháp này không có gì mới, các nước trên thế giới họ cũng đã thực hiện trước mình lâu rồi. Chính chúng ta vừa qua cũng đang làm nhưng chưa triệt để.
Những giải pháp này thực tế gặp rất nhiều khó khăn, đơn cử như việc thu hồi xe máy quá đát. Việc xác định xe quá hạn đã khó, nhưng đến khi thu hồi được nó, bài toán đặt ra là để nó ở đâu, xử lý thế nào, trong khi như chúng ta thấy trên địa bàn có hàng chục bãi xe vi phạm đang quá tải.
- Cũng không ít ý kiến cho rằng, việc cấm xe máy chẳng khác nào giật mất "cần cầu cơm" của người dân?
Về việc này tôi nghĩ bản thân mỗi người dân phải lo. Khi đã cấm xe máy thì anh phải tự năng động, tự tìm kiếm những công việc khác để mưu sinh, không thể ỉ lại chính quyền.
Lệnh cấm thì phải nghiêm túc chấp hành, chính quyền mà cứ đi theo nguyện vọng của từng người dân một thì xã hội đến bao giờ phát triển được. Không có công ăn việc làm mà ngồi chờ chính quyền thì tiên tiến như nước Mỹ cũng không thể làm gì được.
Hà Nội lên phương án mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ để cấm xe máy vào nội đô năm 2030. (Ảnh: Internet)
- Ông đánh giá thế nào về lộ trình cấm xe máy vào nội đô đến năm 2030 của thành phố Hà Nội?
Đề án này với 3 lộ trình đã được đặt ra rất chu đáo và cẩn thẩn, phổ biến đến tận người dân, đến cơ quan các cấp các nghành, người dân được tham gia vào đề án.
Tôi cho rằng đề án cấm xe máy vào nội thành Hà Nội năm 2030 đã được người dân đồng thuận, đón nhận. Bên cạnh đó, lộ trình và đề án này đã tham khảo đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đầu nghành. So với các đề án trước đây thì đề án này có tính khoa học hơn nhiều.
Tất nhiên trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh một số vấn đề khác, cần được điều chỉnh phù hợp. Việc quan trọng hiện tại là cần phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống mạng giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, sớm hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho người dân Thủ đô.
- Xin cảm ơn ông!
Theo VTC News