8.685 chiếc xe được bán ra, 12 tháng liên tiếp dẫn đầu phân khúc bán tải trong năm 2015, cứ hai chiếc đến tay người tiêu dùng thì có một chiếc mang nhãn hiệu của Ford. Đó là những con số ấn tượng cho thấy sức hút rất lớn và chắc hẳn vẫn chưa dừng lại đối với Ford Ranger, cái tên đang làm mưa làm gió trên thị trường quốc tế lẫn Việt Nam. Sự ưu ái của người tiêu dùng trong nước đối với mẫu xe này phát xuất từ cải tiến về thiết kế. Và hàng loạt công nghệ hiện đại được trang bị, khiến cho tham vọng định nghĩa lại khái niệm xe bán tải của Ford không phải là lời hoa ngôn để đánh bóng tên tuổi.
Với Toyota Hilux thì sao? 6 năm trời ấp ủ, hơn 1 triệu km chạy thử, trong đó là 650.000 km tại Australia trên đường phố, off-road hay những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, nhiều lần thay đổi thiết kế để đáp ứng kịp thời thị hiếu người tiêu dùng trên toàn cầu. Với Toyota, tất cả những điều ấy tựu trung muốn mang đến cho người sở hữu nó một trải nghiệm mới mẻ từ những giá trị nền tảng: sự bền bỉ của động cơ, ổn định trong vận hành và thiết kế đầy tươi mới. Nhưng khát khao chinh phục ấy của Toyota Hilux đang gặp phải Ford Ranger, một đối thủ không hề dễ chơi và chặng đua trước mắt vẫn còn đầy khó khăn. Năm 2015, doanh số của Hilux dừng ở mức 1.597 xe được bán ra, một con số đáng thất vọng nếu so với đối thủ của mình.
Thiết kế
Sức hút về mặt thị giác luôn là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự ra đời của bất kì mẫu xe nào, chứ chưa nói đến đây đều là những thế hệ mang phong cách hoàn toàn mới. Mà về mặt này thì cả hai đều làm rất tốt.
Những thanh ngang khỏe khoắn trước lưới tản nhiệt cùng thiết kế loại bỏ bớt đường cong để tạo nên những hình khối cơ bắp, Ford Ranger ngay từ đầu đã mang đến cái thế đứng vững chắc, truyền cả sự tự tin cho những người sắp sửa cầm lái chúng.
Bên cạnh dáng vẻ nam tính ấy, Ford Ranger vẫn không thiếu những nét hiện đại như hệ thống đèn pha Projector, gương chiếu hậu tích hợp báo rẽ, mâm hợp kim đa chấu thể thao đầy ấn tượng và cụm đèn 3 bóng hậu đặt theo chiều dọc ba tầng.
Đối với Toyota Hilux, thiết kế của thế hệ mới lần đầu trình làng tại thị trường Việt Nam đã rũ bỏ được một hình ảnh bảo thủ, ít thay đổi mà vẫn thường được gán ghép cho những dòng xe của Toyota. Vì thế, không quá lời khi dành cho Hilux lời khen ngợi về ngoại thất: Mới mẻ, nam tính và rất “thời trang”.
Chiếc xe sở hữu đèn pha LED/Projector tích hợp đèn chiếu sáng ban ngày dạng LED, đi cùng những thanh kim loại nằm ngang khỏe khoắn. Vẻ cơ bắp còn được tôn thêm nhờ cản trước chắc chắn, hốc hút gió trên nắp capô hay hệ thống khung sườn được đội ngũ kỹ sư của Toyota phát triển mới hoàn toàn.
Phía sau, thiết kế của Hilux không nhiều khác biệt với đối thủ. Vẫn là cản sau ốp bằng kim loại được mạ một phần chrome sáng bóng và cụm đèn hậu đặt dọc, phân hai tầng. Tổng thể toát lên một sự gọn gàng nhưng không đơn điệu. Sự đổi mới về kiểu dáng là yếu tố mang lại “tự tin” để Toyota Hilux cạnh tranh với “ông vua” bán tải Ranger.
Nội thất
Trên Toyota Hilux, không gian cabin đem đến cho người ngồi cảm giác dễ chịu nhờ thiết kế tươi mới từ màu sắc, các trang bị bên trong cho đến những vị trí được mạ bạc. Cũng với những chi tiết nhựa hoặc bọc da nhưng trên Hilux, người lái có thể nhận ra sự trẻ trung hơn so với nhiều lựa chọn màu sắc trên Ford Ranger nhưng lại có phần kém “sức sống”.
Bản cao cấp được trang bị ghế ngồi bọc da, ghế lái chỉnh 8 điện hướng, hàng ghế sau có không gian đủ để mang đến cảm giác khá thoải mái cho người ngồi.
Nhìn chung, nội thất của Toyota Hilux đáp ứng tiện nghi ở mức khá tốt, để không bị gắn mác “bình mới rượu cũ”. Hilux phù hợp cho những ai mong muốn có được một chiếc bán tải với điểm mạnh ở khả năng vận hành nhưng vẫn không thiếu đi tính thẩm mỹ.
Với Ford Ranger lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nội thất của chiếc xe không thực sự mới mẻ như vẻ bề ngoài của nó. Ghế ngồi được bọc nỉ và da với sự kết hợp của màu cam, đen đối lập ở phiên bản cao cấp nhất. Dường như thiết kế kiểu cao bồi phong cách Mỹ ấn tượng ở sự khỏe khoắn hay mạnh mẽ nhưng về màu sắc lại không đủ độ “ép phê” đối với người dùng.
Không gian hàng ghế sau cũng đã được cải thiện khá nhiều so với thế hệ trước. Người ngồi đã có thể thoải mái hơn trong những chuyến đi dài nhờ nệm ghế không quá cứng và hệ thống điều hòa 2 vùng. Cùng với đó là bộ phát wifi trên xe và ổ lấy điện nhằm phục vụ cho các thiết bị di động hay nhu cầu lướt web, giải trí.
Trang bị
Ford Ranger mới vẫn là chiếc xe được ưu ái trang bị nhiều công nghệ để giúp chiếc xe chủ động, linh hoạt và mạnh mẽ trong khả năng vận hành. Cảnh báo va chạm, hỗ trợ phanh, camera lùi, duy trì làn đường, kiểm soát tốc độ, màn hình cảm ứng, âm thanh chất lượng cao… và còn nhiều thứ khác có thể kể đến trên mẫu xe này. Đến nỗi, trong hành trình Sài Gòn – Phan Thiết - Vũng Tàu, chúng tôi có đôi lúc tự hỏi đây có phải là một chiếc bán tải? Rất nhiều trang bị trên xe một mặt hỗ trợ tốt hơn trong hành trình di chuyển, một mặt lại phần nào “triệt tiêu” đi ít, nhiều kỹ năng của người lái.
Sự phong phú về trang bị trên Ranger còn được thể hiện ở khía cạnh nghe nhìn. Hệ thống kết nối SYNC 2 chất lượng của Ford, tích hợp điều khiển bằng giọng nói, đàm thoại rảnh tay, kết nối ngoại vi, USB, Bluetooth…
Ở hạng mục so sánh này, Toyota Hilux tỏ ra lép vế hơn so với đối thủ đến từ bên kia đại dương. Và cũng chính điều này khiến cho những ai là fan của Toyota có lý do để đòi hỏi sự tiến bộ rõ rệt hơn đến từ phiên bản nâng cấp của Hilux về sau. Những mong mẫu xe này đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ hiện đang đứng đầu về doanh số bán xe trên thị trường Việt.
Sẽ không có những tính năng cao cấp như kiểm soát hành trình, duy trì làn đường, màn hình cảm ứng, điều khiển bằng giọng nói…, Hilux khiêm tốn hơn với đầu đĩa CD, kết hối Bluetooth, USB và những tính năng an toàn như ABS, phân phối lực phanh điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc…
Vận hành
So sánh ở khả năng vận hành của hai mẫu bán tải này thực tế không chênh lệch nhiều. Nhưng nếu để chọn ra chiếc xe ấn tượng hơn, thì đó phải là Ford Ranger.
Trong chuyến trải nghiệm của CafeAuto Team, chúng tôi đã thực sự ấn tượng với sức mạnh của chiếc bán tải đến từ Mỹ. Khối động cơ diesel 3.2L công suất 197 mã lực, mô-men xoắn cực đại 470 Nm với độ nhạy ga tốt luôn đem đến sự phấn khích cho người lái. Trên đường cao tốc, chiếc xe với hộp số tự động 6 cấp giúp giảm vòng tua máy ở các cấp số và mở rộng tỷ số truyền ở cấp số cao nên chiếc xe dễ “thuần phục” ở nhiều điều kiện đường sá khác nhau, cũng như có được những màn bứt tốc rất ngọt.
Nếu không thích phiêu lưu với tốc độ cao, chiếc xe có thể mang lại một cảm giác thoải mái và giúp người lái rảnh tay đôi chút nhờ những trang bị hỗ trợ rất hữu ích mà Ford đã trang bị cho chiếc bán tải của mình như đã đề cập ở trên.
Với Hilux, chiếc xe cũng cho thấy độ ổn định và tính bền bỉ ở khả năng vận hành. Trên chiếc xe được trang bị động cơ 3.0L, công suất 161 mã lực, mô-men xoắn cực đại 360Nm mà chúng tôi trải nghiệm trên cung đường Sài Gòn – Đà Lạt – Ninh Thuận, ngoài sức mạnh của động cơ còn có chế độ gài cầu điện tử (H2, H4, L4) và khóa vi sai trung tâm, giúp người lái chủ động hơn ở đường đô thị, đèo núi hoặc những địa hình phức tạp như bùn, lầy, cát...
So với Ranger trang bị hộp số tự động 6 cấp, Hilux (5 cấp tự động) sẽ phát huy hiệu quả hơn khi đi trên các đường địa hình đồi dốc, leo trèo cần nhiều "sức lực" nhưng sẽ thua kém đôi chút khi đi đường trường.
Động cơ và giá bán
Toyota Hilux
HILUX E: Động cơ 2.5 lít, số sàn 6 cấp - 693.000.000 VNĐ
HILUX G: Động cơ 3.0 lít, số sàn 6 cấp - 809.000.000 VNĐ
HILUX G: Động cơ 3.0 lít, số tự động 5 cấp - 877.000.000 VNĐ
Ford Ranger
Ranger 2.2L XL 4x4, số sàn 6 cấp - 619.000.000 VNĐ
Ranger 2.2L XLS 4x2, số sàn 6 cấp - 627.000.000 VNĐ
Ranger 2.2L XLS 4x2, số tự động 6 cấp - 653.000.000 VNĐ
Ranger 2.2L XLT 4x4, số sàn 6 cấp - 758.000.000 VNĐ
Ranger 2.2L Wildtrak 4x2, số tự động 6 cấp - 798.000.000 VNĐ
Ranger 3.2L Wildtrak 4x4, số tự động 6 cấp - 859.000.000 VNĐ
Bảng so sánh một vài thông số kỹ thuật trên hai bản cao cấp nhất :
Thông số |
Ford Ranger (3.2L Wildtrak 4x4 AT) |
Toyota Hilux (3.0L 4X4 AT) |
Kích thước tổng thể (mm) |
5.362x1.860x1.848 |
5.330x1.855x1.815 |
Chiều dài cơ sở (mm) |
3.220 |
3.085 |
Kích thước thùng (mm) |
1.450x1.560x450 |
1.550x1.620x490 |
Khoảng sáng gầm (mm) |
230 |
286 |
Trọng lượng không tải (kg) |
2.215 |
2.040 |
Mâm xe |
Hợp kim 18" |
Hợp kim 17" |
Bán kính vòng quay tối thiểu (m) |
6,35 |
6,40 |
Không quá bất ngờ khi Ford Ranger vẫn là cái tên thống trị bảng xếp hạng doanh số bán xe ở phân khúc xe bán tải trong năm 2015.
Phiên bản hoàn toàn mới của mẫu pick-up Toyota Hilux vừa lọt vào ống kính các tay săn ảnh ở châu Âu. Trước đó, mẫu xe này cũng được bắt gặp đang chạy thử tại Thái Lan.