Thị Trường, - 20/11/2015 12:21 AM
Việt Nam thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và đang đứng trước nguy cơ tụt hậu xa về kinh tế, nhưng nhiều người vẫn xài sang, chi bộn tiền để mua sắm những vật dụng thể hiện “đẳng cấp cá nhân”.
Nguy cơ tụt hậu
 
Những năm qua, dù có sự tăng trưởng nhất định nhưng Việt Nam vẫn chưa thể thoát khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp khi chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1998, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1992.
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tháng 8, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, gấp 21 lần năm 1990 nhưng chỉ bằng 3/5 của Indonesia, bằng 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/4 của Hàn Quốc và bằng 1/27 của Singapore.
 
 
Nhiều năm qua, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 4 nước kém phát triển nhất khu vực ASEAN (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam). Về môi trường kinh doanh, Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam ở vị trí thứ 78/189 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
Và so với các nước ASEAN, Việt Nam đứng khá xa so với Singapore (vị trí số 1), Malaysia (thứ 18), Thái Lan (thứ 26); chỉ trên Philippines (thứ 95), Indonesia (thứ 114), Campuchia (thứ 135), Lào (thứ 148) và Myanmar (thứ 177).
 
Mặc dù Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo chưa cao.
 
Năng suất lao động tăng so với trước đây nhưng là nhờ vào sự dịch chuyển lao động và phân bổ lại lao động chứ không nhờ vào đổi mới công nghệ, nâng cao kỹ năng người lao động.
 
Các chuyên gia kinh tế nhận định, phải đến năm 2038, Việt Nam mới có thể bắt kịp năng suất lao động của Philippines và phải đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.
 
Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu. Một trong những nguyên nhân tụt hậu, theo ông Nguyễn Đình Cung, là do năng suất lao động vẫn chưa được cải thiện.
 
Trong khi đó, vốn đầu tư của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu đổ vào các ngành cho năng suất thấp như tài chính - ngân hàng, bất động sản. Đây chính là điều bất hợp lý, khiến thị trường sai lệch và sự tụt hậu khó được cải thiện.
 
Người tiêu dùng xài sang
 
Dù kinh tế đang tụt hậu so với nhiều nước nhưng nhiều người tiêu dùng (NTD) Việt Nam lại xài sang.
 
Theo báo cáo mới được công bố của Nielsen, NTD ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam ngày càng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, nhất là nhu cầu về các sản phẩm cao cấp.
 
Cụ thể, sản phẩm cao cấp tăng 21% so với phân khúc sản phẩm phổ thông, giá rẻ và đóng góp đến 16% doanh số cho ngành hàng tạp hóa trong năm vừa qua. Và có đến 43% người châu Á sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm mang tính sáng tạo đột phá.
 
Ô tô con được coi là một trong những “phương tiện xa xỉ” nhưng lại có mức tiêu thụ tăng chóng mặt.
 
Trong 10 tháng qua, Việt Nam đã nhập 94.610 xe phục vụ nhu cầu một bộ phận khách hàng với kim ngạch 2,3 tỷ USD, tăng 83% về số lượng và tăng 100% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014, đó là chưa kể gần 200.000 xe lắp ráp trong nước được bán ra.
 
Song song với xe nhập khẩu, trong 10 tháng đầu năm 2015, các thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đã bán ra 185.0811xe, tăng 53% so với với cùng kỳ năm ngoái.
 
Sức hấp dẫn của những mặt hàng này đang ngày càng tăng trong một bộ phận không nhỏ NTD khi có nhiều sản phẩm thỏa mãn yêu cầu thể hiện bản thân.
 
Bằng chứng là tại Vietnam Motor Show, chỉ trong 5 ngày triển lãm (từ ngày 28/10 - 1/11) các công ty đã bán được 2.500 xe thuộc các dòng mới nhất. Triển lãm Ô tô quốc tế Việt Nam - VIMS vào đầu tháng 10 cũng bán được gần 200 xe nhập khẩu loại sang.
 
Cùng với ô tô, các mặt hàng xa xỉ khác cũng tăng trưởng mạnh. Báo cáo năm 2015 của hãng nghiên cứu Knight Frank cho thấy, các thương hiệu thời trang cao cấp như Hermes, Cartier, Louis Vuiton... đã có mặt tại Việt Nam.
 
Trong đó, thương hiệu túi xách Hermes (có mặt tại Việt Nam năm 2012) có mức tăng lợi nhuận bình quân hằng năm từ 20% - 30%.
 
Tương tự, Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Apple khi mà smartphone của thương hiệu này luôn gây "sốt" dù nằm trong top những sản phẩm có giá cao nhất.
 
Mới đây, trong ngày đầu tiên mở bán (6/11) Iphone 6s và Iphone 6S Plus, đã có đến 8.000 chiếc smartphone thương hiệu Apple đã đến tay NTD.
 
Đánh giá về hiện tượng này, ông Johan Vrancken - Trưởng bộ phận nghiên cứu về sáng tạo và đổi mới của Nielsen khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, các dòng sản phẩm phổ thông được ưa thích và chiếm ưu thế ở khu vực nhưng tầng lớp trung lưu đang tăng cao (ước đạt 3 tỷ người vào năm 2020) dẫn đến xu hướng sử dụng sản phẩm cao cấp ngày càng rõ nét.
 
“NTD khu vực Đông Nam Á ngày càng có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm mang tính sáng tạo cao, đột phá. Giá cả là một yếu tố quan trọng nhưng sự thu hẹp khoảng cách mức giá giữa dòng sản phẩm cao cấp và phổ thông đang giúp NTD ngày càng có cơ hội tiếp cận sản phẩm chất lượng cao hơn”, Johan Vrancken nhận xét.
Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.
Tags: xe sang, siêu xe