Thị Trường, - 03/05/2013 02:44 PM
Ai cũng nhận thấy đi xe đạp có lợi về sức khỏe, môi trường. Nhưng trong điều kiện hiện nay, các chuyên gia xã hội học và tâm lý học cho rằng chưa thể triển khai đề án 'dùng xe đạp chống tắc đường' được, bởi “chưa đủ điều kiện để biến nó trở thành một phong trào được toàn dân tự nguyện hưởng ứng”.

Không khả thi

Nghe thông tin về đề án 'đi xe đạp để giảm ùn tắc giao thông', nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau đều cho rằng, vận động người dân đạp xe vì môi trường thì được, chứ để giảm ùn tắc thì “không khả thi”, thậm chí còn nảy ra vấn đề phiền phức khác.

Nhà xã hội học Lê Thu Phượng cho biết, đề án này khó nhận được sự đồng tình hưởng ứng từ toàn xã hội, càng không thể “bắt” người dân đi xe đạp vì họ có quyền lựa chọn phương tiện phù hợp, ưa thích.

Ở nước ta, môi trường ô nhiễm, nắng nóng gay gắt về mùa hè, đạp xe được đến cơ quan trong tình hình thời tiết bất lợi như vậy sẽ không ai lựa chọn.

Do đó, đa phần người dân chọn xe đạp cho mục đích đi chơi, đi dạo nhiều hơn là đi làm.

Thử tưởng tượng nếu cả xã hội cùng đi xe đạp thì sẽ ra sao? Lúc ấy, số lượng người ngoài đường có lẽ sẽ đông hơn bây giờ, vì tất cả đi làm cùng giờ, xe đạp đi chậm nên lưu thông kém, mật độ giao thông trên đường vào giờ cao điểm càng đông hơn”, bà Phượng nhận định.

Bản thân bà Phượng cũng đã có những lần đạp xe đi làm, từ nhà đến cơ quan khoảng 7-8km. Hoặc đi uống café cũng đạp xe đến quán.

Nhưng toàn đi vào tầm 9-10 giờ và phải mát trời, đi thong dong ngắm phố, không đông đúc, không chen chúc. Đi giờ cao điểm thì xe đạp toàn bị xe máy lấn lướt, rất sợ”, bà Phương chia sẻ.

Thời trước, khi chưa có nhiều xe máy mà toàn xe đạp (những năm 1970-1980) thì Hà Nội cũng đã tắc đường rồi. Như vậy, ngay cả xe đạp cũng gây tắc đường chứ không riêng gì xe máy hay ô tô!

Theo bà Phượng, ở các nước khác, việc đi xe đạp rất phát triển, thậm chí trở thành nét văn hóa của cả thành phố. Nhưng điều đáng chú ý là họ có hệ thống giao thông công cộng tuyệt vời.

Người dân có thể đi xe đạp trong đoạn đường mình muốn, sau đó sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi tiếp những đoạn dài. Như vậy mới khả thi.

Xã hội chưa có tâm lý sẵn sàng

Ở góc độ tâm lý xã hội, TS Tâm lý Nguyễn Kim Quý cho rằng, người Việt Nam chưa có tâm lý sẵn sàng để sử dụng xe đạp thay cho các phương tiện giao thông hiện tại như ô tô, xe máy, xe buýt…

Lý do là vì cơ sở hạ tầng cho xe đạp chưa có. Các nước trên thế giới người dân dùng xe đạp rất nhiều vì họ có đường dành riêng cho xe đạp, có trạm sửa chữa, có đầy đủ hạ tầng đi kèm, thời tiết và môi trường thuận lợi.

Ngoài ra, bối cảnh chung của xã hội hiện nay không giúp tạo được tâm lý đồng thuận của người dân với các chủ trương, chính sách được đưa ra

Việc xây dựng luật pháp không bài bản, không có trưng cầu dân ý, đưa ra những chính sách bị phản đối (như việc CMND in tên cha mẹ…) đã khiến người dân có tâm lý ngao ngán, không còn tin tưởng vào những quyết sách đó. Vì thế, khi đưa ra một vấn đề gì mới, họ có phản xạ không quan tâm, không “hiến kế”. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không tham gia vào việc thực hiện chủ trương đó nữa”, TS Quý nói.

Theo TS Quý, hiện nay, người Việt Nam chưa có tâm lý và thói quen “hy sinh” một chút quyền lợi cá nhân để vì lợi ích cộng đồng.

Lý do là vì họ chưa thấy sự hy sinh đó có ích cho bản thân họ và cho mọi người xung quanh. Do đó, nó không lay động được họ, khiến họ tự nguyện từ bỏ thói quen đi xe máy. Hiện họ vẫn sử dụng xe máy để nhanh và đỡ mất sức”, bà Quý phân tích.

Đánh giá về xu hướng sử dụng xe đạp trong tương lai, bà Quý cho rằng sẽ ngày càng phổ biến nhưng cần phải có thêm thời gian, khi mà tâm lý xã hội ủng hộ việc này nhờ hoàn thiện các điều kiện về đường sá, an toàn giao thông, v..v…

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.