Giống như xe máy, ô tô nguồn gốc Trung Quốc đã có mặt ở Việt Nam trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, phần lớn ô tô ‘Tàu’ đều bị khách hàng Việt Nam ghẻ lạnh do các vụ bê bối chất lượng cùng với sự cạnh tranh của các đối thủ mạnh tới từ Hàn Quốc, Nhật, Đức,…
Bẵng đi một thời gian, nhờ sự nâng cao tay nghề sản xuất, thay đổi mẫu mã của nền công nghiệp ô tô Trung Quốc mà xe hơi từ quốc gia tỷ dân đã bắt đầu chinh phục được một bộ phận khách hàng Việt Nam. Hãy cùng điểm qua một số thương hiệu và dòng xe ô tô Trung Quốc đáng chú ý trên thị trường nước ta hiện nay.
BAIC Motor là một hãng ô tô Trung Quốc khá quen thuộc tại nước ta. Điểm độc đáo của xe hơi BAIC Motor là thiết kế khá giống các thương hiệu nổi tiếng như Porsche, Range Rover hay Mercedes-Benz. Xe BAIC Motor được nhập khẩu nguyên chiếc vào nước ta với 2 dòng chủ yếu là dòng SUV Q7 và X55. Giá bán của hai mẫu xe này khá rẻ, chỉ khoảng 700 triệu đồng.
Dù vậy, chúng vẫn được trang bị các công nghệ hiện đại phanh đỗ điện tử, cửa sổ trời toàn cảnh như màn hình giải trí 9 inch, phanh ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử, cảm biến áp suất lốp, kiểm soát hành trình. Trong giai đoạn cực thịnh, các đại lý BAIC Motor tại nước ta có thể tiêu thụ được hàng trăm chiếc Q7, X55 mỗi tháng. Ngoài ra, BAIC Motor còn kinh doanh các dòng xe khác như BAIC H2E, BAIC BJ40L nhưng doanh số không đáng kể.
Cũng đi theo phong cách nhái xe sang của BAIC Motor, Zotye Motor chính là thương hiệu mở đầu cho trào lưu xe ‘Tàu’ tại Việt Nam vào năm 2015. Dù gia nhập thị trường sớm với đa dạng dòng xe ở nhiều phân khúc, Zotye vẫn không thể bật lên giữa vô vàn các đối thủ mạnh. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi Zotye tung ra chiếc Z8 vào năm 2018 với ngoại hình hao hao Land Rover Range Rover, động cơ 2.0L cũ vay mượn của Mitsubishi từ 10 năm trước. Điều lạ lùng là Zotye Z8 lại khá ăn khách tại thị trường Việt Nam dù bán ế ẩm tại chính quê nhà Trung Quốc.
Mức giá 728 cho bản 5 chỗ và 758 triệu cho bản 7 chỗ của Zotye Z8 dường như đã thuyết phục được rất nhiều khách hàng Việt xuống tiền bất chấp những nghi ngại về nguồn gốc ‘xe Tàu’. Đến nay, Zotye Z8 vẫn đang là một trong những mẫu xe Trung Quốc ăn khách nhất tại Việt Nam dù đã qua thời kỳ đỉnh cao.
Trái với Zotye hoàn toàn đặt cược với sức hút của Z8, thương hiệu Dongfeng Motor đem đến nhiều sự lựa chọn cho khách hàng Việt với các dòng xe Joyear S50, Joyear X5, Joyear XV, Dongfeng T5. Tất cả đều là các mẫu SUV với ngoại thất vay mượn từ Volkswagen, BMW, Tesla, Peugeot.
Ở thời điểm hiện tại, Dongfeng T5 nổi lên như là một đối thủ cạnh tranh xứng tầm với Zotye Z8, Hyundai Tucson, Mazda CX-5. Ngoại hình của Dongfeng T5 khá giống Volkswagen Toureg thế hệ mới với lưới tản nhiệt rộng kết hợp đèn pha góc cạnh. Đáng chú ý, Dongfeng T5 sử dụng động cơ có nguồn gốc từ BMW với công suất 204 mã lực tại 6000 vòng/phút , mô men xoắn 280 Nm tại 1600 – 4000 vòng/phút.
Với mức giá hơn 700 triệu, Dongfeng T5 đem đến cho khách hàng lượng trang bị đủ dùng, bao gồm màn hình đồng hồ lái 12 inch, màn hình trung tâm 12 inch đặt dọc như máy tính bảng, kết nối Apple Carplay, phanh khẩn cấp tự động, cảnh báo chênh lệch làn đường, Future Link 3.0.
Gây khá nhiều sự chú ý trên thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian qua là sự xuất hiện của thương hiệu MG với 2 dòng xe HS và ZS. Trong đó, MG ZS 2021 tập trung vào phân khúc SUV đô thị, nơi đang có cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Ford EcoSport, Kia Seltos, Hyundai Kona. Thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc, MG ZS được nhập trực tiếp từ Thái Lan bắt đầu từ tháng 1 năm nay. Giá xe MG ZS tương đối phải chăng, dao động chỉ từ 519 tới 619 triệu đồng tùy phiên bản. Hiện tại, MG đang có 20 đại lý chính thức tại Việt Nam, một con số khá ấn tượng đối với một thương hiệu Trung Quốc mới gia nhập thị trường hơn 1 năm.
Brilliance Auto là một trong những thương hiệu ô tô Trung Quốc mới nhất đặt chân tới thị trường Việt Nam. Dòng xe ‘chào khách’ của Brilliance Auto có tên V7 và nằm chung phân khúc với Honda CR-V, Hyundai Tucson, Mazda CX-5. Điều đáng nói là trước khi bán ra tại Việt Nam vào năm 2020, doanh số Brilliance V7 rất èo uột, trung bình chỉ vài chục chiếc mỗi tháng tại thị trường Trung Quốc. Không những vậy, đơn vị sản xuất của V7 là Công ty TNHH Tập đoàn Ô tô Brilliance vừa phải cơ cấu lại vì phá sản. Tuy nhiên, đơn vị nhập khẩu của Brilliance V7 tại Việt Nam vẫn chấn an khách hàng rằng dòng xe này vẫn sẽ được tiêu thụ tại nước ta bình thường. Dù sở hữu ngoại hình bắt mắt, tiện nghi hiện đại nhưng Brilliance V7 vẫn bán rất chậm do đa số khách hàng Việt Nam chưa đánh giá cao ô tô tới từ Trung Quốc.
Giá rẻ
Với mức giá rẻ hơn hàng trăm triệu so với các đối thủ cùng phân khúc, ô tô Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn nhất định đối với một bộ phận khách hàng Việt Nam. Những chiếc xe hơi Trung Quốc với lời quảng cáo full-option, mới 100% mà giá thấp hơn đến 50% so với xe Nhật, Hàn đã khiến nhiều khách hàng Việt bỏ qua được chướng ngại tâm lý ‘xe Tàu’ mà quyết đoán xuống tiền.
Thiết kế nịnh người dùng
Điểm qua một loạt các dòng xe Trung Quốc ăn khách tại Việt Nam, dễ nhận thấy rằng chúng đều có ngoại hình rất long lanh, bắt mắt dù mang tiếng ‘vay mượn’ từ các tên tuổi lớn như Land Rover, BMW, Volkswagen, Audi, Maserati. Không những vậy, các đơn vị phân phối xe Trung Quốc cũng nắm bắt tâm lý khách hàng Việt khi cung cấp các gói độ ngoại thất theo phong cách xe sang trên thế giới. Chất lượng thì chưa biết nhưng ngoại hình đẹp hút hồn vẫn luôn là một thế mạnh của xe Trung Quốc tại Việt Nam.
Trang bị phong phú
Trong khi ô tô Nhật, Hàn, Mỹ yêu cầu người mua chi tiền để có thêm trang bị thì tất cả ô tô Trung Quốc đều ngập tràn option dù có giá rất rẻ. Nhiều mẫu xe còn sở hữu các tiện nghi ngang hàng ô tô châu Âu. Với các chủ xe chưa có nhiều tiền nhưng muốn trải nghiệm công nghệ xe hơi mới thì ô tô Trung Quốc là một xuất phát điểm đáng cân nhắc.
Độ bền thấp
Ô tô Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự bền bỉ tương đương xe Nhật, xe Hàn khi sử dụng trong thời gian dài. Giá xe Trung Quốc sở dĩ thấp là vì công ty mẹ thường sao chép linh kiện, công nghệ từ các hãng xe Nhật, Đức, v.v. Do nhập máy móc từ nhiều nguồn khác nhau, chấp lượng gia công kém mà ô tô Trung Quốc xuống cấp rất nhanh. Động cơ mang tiếng là của BMW, Mitsubishi nhưng đa phần đều đã lỗi thời, hao nhiên liệu.
Mất giá nhanh
Khi mua ô tô Trung Quốc, đa phần khách hàng đều xác định là phải chịu lỗ khi bán lại vì độ bền thấp, thiết kế sao chép nhanh lỗi mốt, giá trị thương hiệu không cao bằng các hãng xe có tên tuổi.
Số lượng đại lý, cơ sở bảo hành ít
Hệ thống phân phối, bảo dưỡng ô tô Trung Quốc tại Việt Nam còn rất ít, tập trung chủ yếu tại vài đô thị lớn. Điều này càng khiến người dùng bối rối khi ô tô Trung Quốc được cho là hay hỏng hóc, trục trặc sau một thời gian sử dụng. Các garage ngoài ít khi tiếp nhận sửa chữa xe Trung Quốc do độ phổ biến thấp và không có linh kiện phù hợp.
Xe ô Tô Trung Quốc là một chủ đề được bàn tán khá nhiều trong thời gian qua. Chưa dùng đã dè bỉu, người mua thì chịu lời ra tiếng vào, sắp mua lại sợ bị hỏng sớm, hay những lời cảnh báo xuất hiện nhan nhãn trên các diễn đàn.
Sở hữu thiết kế với những chi tiết rất giống với những mẫu xe sang trên thế giới, Zotye Z8 được xem là 1 cái tên đã tạo nên một dấu ấn lớn trong lòng khách Việt. Liệu mẫu xe này có thoát khỏi cái bóng của mình và đứng vững ở thị trường Việt Nam.