Bác sĩ Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê hồi sức - Điều trị đau và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chỉ số SpO2 (saturation of peripheral oxygen) là độ bão hòa oxy qua mạch máu ngoại vi (ngón tay, dái tai). Chỉ số này được đo rất dễ dàng thông qua một đầu dò SpO2 kẹp ở đầu ngón tay, ngón chân hoặc dái tai.
Mục đích của đo chỉ số SpO2 nhằm phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy máu của người bệnh, trước khi có các dấu hiệu trên lâm sàng như tím tái.
Máy đo SpO2 cầm tay là thiết bị y tế phổ biến, dễ sử dụng tại gia đình, cho bất kỳ bệnh nhân nào có tình trạng hạ oxy máu, như viêm phổi do vi khuẩn, hen phế quản, hội chứng ngưng thở lúc ngủ (thường ngủ ngáy)... và viêm phổi do Covid-19.
Về nguyên lý hoạt động, khi kẹp máy đo SpO2 vào đầu ngón tay, đầu dò của máy sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại đi xuyên qua mô có các mao mạch nhỏ chứa hồng cầu. Hồng ngoại sẽ bị hồng cầu hấp thu một phần. Từ lượng ánh sáng còn lại chưa bị hấp thu, máy sẽ tính ra số lượng hồng cầu có chứa oxy (máu đỏ).
Chỉ số hiện trên máy đo SpO2 thể hiện tỷ lệ phần trăm từ 0-100%. SpO2 bình thường là ≥ 97%, tức tình trạng oxy hóa trong máu được xem là đảm bảo. Nếu chỉ số dao động 97-92%, vẫn còn trong giới hạn chấp nhận được, người bệnh theo dõi tại nhà.
Trường hợp SpO2 thấp hơn 92% phản ánh tình trạng máu thiếu oxy nghiêm trọng, làm bệnh nhân có triệu chứng tím tái ở môi, ngón tay, bệnh diễn tiến nặng... Lúc này, người bệnh cần được cho hỗ trợ hô hấp, cho thở oxy bằng máy tạo oxy hoặc oxy y tế trong bình chuyên dụng. Nếu đã thở oxy với lưu lượng 5-10 lít/phút mà chỉ số SpO2 không cải thiện, không đạt trên 92% thì người bệnh đứng trước nguy cơ suy hô hấp phải can thiệp mức cao hơn, bắt buộc phải nhập viện.
Từ ngày 13/7, TP HCM triển khai thí điểm rút ngắn thời gian cách ly điều trị với các F0 không triệu chứng lâm sàng (ho, sốt, đau họng, khó thở...), nếu đạt những điều kiện bắt buộc. Người bệnh tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế, gồm đo thân nhiệt hai lần mỗi ngày, khai báo các triệu chứng qua phần mềm khai báo y tế điện tử. Nếu có điều kiện, F0 sẽ được hướng dẫn tự theo dõi SpO2 tại nhà.
Theo bác sĩ Khương, kiểm tra SpO2 liên tục là biện pháp cần thiết, an toàn, hiệu quả và đơn giản trong quá trình theo dõi người bệnh ở nhà, khi không cần đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thở máy không xâm lấn như chế độ lưu lượng cao qua ống thông mũi HFNC hay CPAP... Nếu SpO2 tiếp tục không cải thiện, thậm chí mạch người bệnh đập quá chậm, dưới 60 lần mỗi phút, có khả năng "dọa ngưng tim", các bác sĩ sẽ phải đặt ống nội khí quản cho thở máy xâm lấn.
Tuy nhiên, bác sĩ Khương lưu ý, chỉ số đo SpO2 của các thiết bị có thể không chính xác 100%, máy luôn có độ sai số. Kết quả đo có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, như máy đã quá cũ, người bệnh sơn móng tay móng chân, mắc Hemoglobin bất thường khi bệnh nhân nhiễm khí CO, hoặc người bệnh run rẩy, cử động khi đo, bệnh nhân bị sốc, tụt huyết áp vì sử dụng thuốc gây co mạch...
Máy đo SpO2 hiện nay được sản xuất bởi nhiều hãng, giá thành khác nhau. Các loại máy cầm tay sử dụng tại gia đình giá từ 800.000 đồng đến 5 triệu đồng. Loại máy chuyên dụng dùng tại các cơ sở y tế có khoảng 10 triệu đồng. Gần đây, các loại máy này luôn trong tình trạng "cháy hàng", giá tăng cao so với thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát mạnh tại TP HCM, bác sĩ Khương cho hay.
Trước tình trạng nhiều người chủ động tìm mua máy đo SpO2, bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên, trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM khẳng định "việc này không cần thiết". Bác sĩ Duyên giải thích, trừ những trường hợp mắc bệnh mạn tính, đang điều trị ở nhà và bắt buộc cần phải có máy đo SpO2 để theo dõi sức khỏe, thì việc cố gắng tìm mua, tích trữ vừa lãng phí vừa khiến người thực sự cần dùng máy lại không có.
"Thay vì lo lắng tình huống (chưa chắc sẽ xảy ra) rằng mình mắc Covid-19, rồi bị trở nặng, suy hô hấp, người dân thời điểm này nên chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà và tiếp xúc nơi đông người, tránh nguy cơ lây nhiễm. Không mắc bệnh, không phải điều trị, không cần dùng máy", bác sĩ Duyên khuyên.
Ngoài ra, hai bác sĩ cùng nhấn mạnh, ngoài những lợi ích, máy đo SpO2 tại nhà cũng có thể gây nguy hiểm nếu không cung cấp chỉ số chính xác với tình trạng thực tế của người bệnh. Từ đó, người bệnh chủ quan hoặc hoảng hốt quá mức, dẫn đến tự sử dụng các biện pháp cấp cứu sai. Quan trọng hơn, với bệnh Covid-19, riêng chỉ số SpO2 không đủ để đánh giá tình trạng sức khỏe. Bệnh Covid-19 hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, quá trình điều trị của bệnh nhân nặng, nguy kịch rất phức tạp, cần tuân thủ phác đồ của Bộ Y tế và phải có nhân viên y tế theo dõi sát sao tại bệnh viện.
Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) Nguyễn Văn Thanh, người từng bị cách chức do vi phạm nghiêm trọng công tác phòng chống dịch Covid-19 - hiện đã được "phục chức".
Bộ Tài Chính sẽ giảm 34 khoản phí, lệ phí trong đó có có phí sử dụng đường bộ cho ô tô từ ngày 1/1/2022 cho đến hết 30/6/2022.
Để thỏa mãn niềm mơ ước sở hữu siêu xe, một người đàn ông ở bang Texas (Mỹ) đã phải “trả giá” bằng án tù 9 năm khi lợi dụng quỹ cứu trợ Covid-19.
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT gia hạn thời hạn của giấy chứng nhận sức khỏe cộng thêm thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội.
Theo quy định mới, từ ngày 25/10, hành khách đi máy bay và tàu hỏa không phải kê khai bản cam kết phòng, chống dịch Covid-19 như trước đó.