Số lượng phương tiện giao thông ngày càng gia tăng, các quy định và công tác quản lý an toàn giao thông lỏng lẻo là nguyên nhân khiến Thái Lan trở thành đất nước “chết chóc” nhất đối với người đi xe máy.
Người dân Thái Lan thường xuyên sử dụng xe máy trên đường mà không đội mũ bảo hiểm, nhất là với trẻ em và người ngồi sau xe. Ảnh: ANN
Nỗi ám ảnh xe máy
Nghiên cứu về an toàn giao thông toàn cầu năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy Thái Lan có đường sá nguy hiểm thứ hai trên thế giới chỉ sau Libya - một đất nước đang chìm trong rối loạn, với tỉ lệ tử vong là 36,2 người/100.000 dân. Theo các chuyên gia, ở Thái Lan trung bình có khoảng 5.500 người đi xe máy tử vong mỗi năm, tức là gần 15 người một ngày. Con số này vẫn tiếp tục tăng.
Trung tâm Phòng, chống thương tích và thúc đẩy an toàn trẻ em của BV Ramathibodi (CSIP) hồi năm 2015 cũng cho biết: Thái Lan là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với người đi xe máy với 73% số ca tai nạn dẫn đến tử vong.
Xe máy là phương tiện phổ biến ở Thái Lan, theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tai nạn Thái Lan (Tarc) năm 2015, bởi nó tiện lợi trong di chuyển, chi phí nhiên liệu và bảo trì thấp cũng như giá rẻ hơn so với ô tô. Hiệp hội Công nghiệp ô tô Thái Lan cho biết riêng năm 2016, người dân đã mua 1,7 triệu chiếc xe máy, bỏ xa con số 768.788 ô tô bán ra. Trong quý đầu năm 2017, xứ chùa vàng cũng vừa có thêm 461.783 xe máy tham gia giao thông.
“Đường của Thái Lan rất đẹp. Và người ta có xu hướng phóng rất nhanh. Sát thủ số một là tốc độ” - bà Ratana Winther, Giám đốc chi nhánh Thái Lan của Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á (AIPF), cho biết.
Một thiếu niên điều khiển xe máy trên đường không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Quy định lỏng lẻo
Theo các chuyên gia, những quy định lỏng lẻo về an toàn giao thông như độ tuổi lái xe, mũ bảo hiểm, tình trạng say rượu khi lái xe… là nguyên nhân chính khiến tai nạn giao thông liên quan đến xe máy ngày càng tăng cao ở Thái Lan. Tại các đô thị lớn của Thái Lan, tốc độ lái xe tối đa là 80 km/giờ. Trong khi đó, khuyến cáo an toàn cho biết con số này chỉ nên ở mức dưới 50 km/giờ.
Luật pháp Thái Lan quy định những người 15 tuổi đã có thể xin giấy phép lái xe cho các loại xe dưới 110 cc nhưng điều này thường xuyên không được thực thi đúng cách. Theo ông Adisak Plitpolkarnpim, Giám đốc Trung tâm CSIP, trẻ em đi xe máy là hình ảnh rất phổ biến ở nước này, đặc biệt là ở các tỉnh. Trẻ em dùng xe máy để đi học, đi chơi hoặc đi làm việc lặt vặt cho bố mẹ. Trung tâm CSIP thống kê có khoảng 15.800 trẻ em bị tai nạn giao thông liên quan đến xe máy mỗi năm ở Thái Lan, trong đó có khoảng 700 trường hợp tử vong.
Luật về mũ bảo hiểm của Thái Lan cũng không được thực thi nghiêm túc, đặc biệt là ở các tỉnh và với người ngồi sau xe máy. Nghiên cứu của Tarc cho thấy hầu hết ca tử vong liên quan đến xe máy đều là do chấn thương đầu. Một cuộc khảo sát năm 2013 cũng chỉ ra rằng chỉ có 19% người ngồi sau xe máy ở Thái Lan là đội mũ bảo hiểm, trong đó chỉ có 7% đối tượng là trẻ em. Người dân ở Thái Lan cũng ít quan tâm đến chất lượng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Loại mũ được sử dụng thông thường là loại giống mũ bảo hộ ở các công trường xây dựng và không đảm bảo tính an toàn khi tham gia lưu thông.
Ngoài vấn đề mũ bảo hiểm, WHO cũng cho biết có 26% số ca tử vong do tai nạn xe máy tại Thái Lan là do say rượu khi lái xe. Mặc dù các biển quảng cáo đã được giăng lên khắp nơi nhưng tại các thành phố lớn như Bangkok và Chiang Mai vẫn có thể thường xuyên nhìn thấy hình ảnh người say rượu lái xe trên đường phố. Tại các thị trấn nhỏ hơn, hình ảnh người lái xe rời khỏi các quán rượu trong tình trạng say khướt cũng trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Việc thi giấy phép lái xe ở Thái Lan cũng mang nặng tính lý thuyết mà không chú trọng đến việc thực hành lái xe, theo tờ Asian Corespondent. Nhiều người điều khiển xe máy trên đường phố Thái Lan cũng không có giấy phép lái xe hợp pháp. Trong khi đó, có một số trường hợp lái xe là người của các gia đình giàu có, sau khi gây tai nạn chết người chỉ bị xử phạt rất nhẹ hoặc làm công ích.
Quản lý chưa hiệu quả
Tại Thái Lan, công tác quản lý vi phạm giao thông được thực hiện chủ yếu thông qua các trạm kiểm soát giao thông trên đường vào ban ngày, còn ban đêm thì chỉ hoạt động trong một số dịp lễ đặc biệt. Theo tờ Bangkok Post, các trạm kiểm soát này lại đang gây ra các mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông bởi chúng chiếm mất một hoặc hai làn đường, không chỉ trên đường trong thành phố mà còn trên các đường cao tốc.
Tuy nhiên, lỗ hổng lớn nhất của những trạm kiểm soát này lại chính là hạn chế về việc ngăn chặn khả năng vi phạm giao thông của người điều khiển xe máy. Phần lớn người dân có thể né các trạm kiểm soát dễ dàng bằng cách đi sang một con đường khác. Ở những khu vực không có trạm kiểm soát giao thông, người lái xe máy lại tiếp tục vượt đèn đỏ, lái xe lạng lách hoặc điều khiển một chiếc xe không đủ tiêu chuẩn…
Theo TS Liviu Vedrasco của WHO, chính phủ Thái Lan nên đặc biệt chú ý đến người đi xe máy, nhóm dễ bị thương tổn nhất khi tham gia lưu thông trên đường. “Nếu không thể giảm lượng xe máy thì cách tốt nhất tiếp theo là hãy tách xe máy ra. Tạo một làn đường riêng cho xe máy. Có thể không làm được 100% số đường ở Thái Lan nhưng hãy cố gắng tăng tỉ lệ đường có làn dành riêng cho xe máy, điều này chắc chắn sẽ có tác động lớn” - ông Vedrasco nói.
Tờ Bangkok Post cho rằng thay vì lập các trạm cố định trên đường phố, việc cảnh sát đi tuần tra di động sẽ có tác động ngăn chặn vi phạm lớn hơn nếu như biện pháp này được thực hiện một cách nhất quán. Các đơn vị di động này cần phải tăng cường hiện diện cả ngày và đêm. Với việc người dân biết được cảnh sát sẽ thường xuyên xuất hiện nhưng lại không biết khi nào họ sẽ xuất hiện, Bangkok Post cho rằng những hành vi cố tình vi phạm an toàn giao thông sẽ được giảm thiểu qua thời gian.
Trong khi đó cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Thái Lan Nikorn Chamnong lại mạnh mẽ cho rằng “cần phải thay đổi gen của đất nước” và “giáo dục ngay từ nhà trường là điều quan trọng”. Ông Chamnong cũng đã kêu gọi Quốc hội Thái Lan cần phải hành động nhiều hơn nữa.
|
Theo Plo
Từ ngày 15/8/2023, biển số ô tô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe. Vì vậy, nhiều người băn khoăn không biết nếu đang sở hữu nhiều biển số thì sẽ như thế nào?
VinFast công bố khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại bang Bắc Carolina vào ngày 28/7. Đây sẽ là cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên tại Bắc Carolina, đóng góp vào nguồn cung xe điện cho thị trường Bắc Mỹ, thúc đẩy cuộc cách mạng giao thông xanh toàn cầu.
Sau loạt sản phẩm bị ngừng bán, chỉ còn 3 mẫu xe máy nhỏ đang được các đại lý Suzuki Việt Nam phân phối trên thị trường.
Tính tổng quý II/2023, lượng xe sản suất trong nước đạt 856.800 chiếc, tăng 11.2% so với quý I (770.700 chiếc) và tăng 7.6% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá được nhà sản xuất, đại lý phân phối triển khai cùng với việc thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm còn 8% từ ngày 1/7 giúp giá bán nhiều mẫu mã xe máy giảm hàng triệu đồng.