Kênh Youtube Drivetribe đã có những chia sẻ thú vị về vấn đề trên. Theo Mike Fernie, người dẫn chính của kênh này cho biết mang động cơ của xe đua F1 lên một chiếc xe đường phố là một công việc đầy thử thách. Lý do được đưa ra là bởi loại động cơ này có những khác biệt căn bản so với những cỗ máy mà chúng ta đang vận hành hằng ngày.
Dù nguyên lý hoạt động tổng quát nhìn chung là giống nhau nhưng động cơ F1 không dễ khởi động. Để tối ưu hiệu suất hoạt động cũng như sức mạnh, khoảng cách giữa các thành phần chuyển động của động cơ là rất nhỏ. Vì vậy, các piston không thể tự di chuyển nếu không có sự trợ giúp của dầu nóng. Thường thì người ta phải bơm dầu nóng vào bên trong động cơ khoảng 1 giờ nếu muốn nổ máy. Tất nhiên, điều này sẽ gây ra vô vàn phiền toái cho người dùng nếu những chiếc xe thương mại được trang bị động cơ F1.
Vấn đề thứ hai chính là tản nhiệt. Fernie đã đưa ra công thức để tính nhiệt năng mà động cơ sản sinh ra. Theo đó, đại lượng này tỷ lệ thuận với mô-men xoắn và vòng tua máy ở dải tốc độ cụ thể. Mà đặc tính tự nhiên của động cơ F1 là vòng tua máy rất cao, thế nên lượng nhiệt tỏa ra là rất lớn. Và để đối phó với một lượng nhiệt như vậy, những chiếc xe phải cần tới những hệ thống tản nhiệt rất khủng. Bộ tản nhiệt tiêu chuẩn chắc chắn không đủ sức để đảm đương công việc này. Mà nếu lắp đặt những hệ thống như vậy, chiếc xe của bạn chắc chắn sẽ phải hi sinh nhiều thứ.
Vấn đề thứ ba liên quan đến chi phí. Là một kiệt tác cơ khí, những khối động cơ của xe đua công thức 1 tất nhiên là rất đắt đỏ. Theo Fernie, chỉ riêng phần động cơ đã tiêu tốn của các đội đua khoảng 6,3 triệu Bảng. Kể cả khi được sản xuất đại trà thì con số trên cũng không giảm xuống mức đủ thấp để thuyết phục khách hàng. Đấy là chưa kể các công nghệ tinh vi của chúng sẽ khiến cho quá trình bảo trì trở nên phức tạp và vô cùng tốn kém.
Yếu tố tiếp theo được Fernie đề cập chính là lực kéo. Tuy có đặc tính vòng tua máy cực cao, lên tới 15.000 vòng/phút nhưng động cơ F1 lại không sản sinh nhiều mô-men ở những dải tốc độ ban đầu. Lý do được đưa ra là do khoảng chạy piston ngắn và đường kính xi-lanh lớn. Điều này giúp cho cỗ máy này vượt trội về công suất trong khi mô-men xoắn lại không mấy ấn tượng. Mà với trọng lượng siêu nhẹ, chỉ khoảng 700kg nếu tính cả người lái, những chiếc xe F1 đâu cần tới sức kéo quá lớn. Còn với xe hiệu năng cao dân dụng, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bởi trọng lượng của chúng dao động từ 1,2 tới 1,8 tấn và động cơ F1 sẽ phải hoạt động rất vất vả.
Cuối cùng là độ bền. Vòng tua máy cao đã dẫn tới việc các piston phải làm việc ở cường độ kinh hoàng. Lẽ tất nhiên, sự ăn mòn cũng là rất lớn. Thế nên, các đội đua phải thường xuyên làm mới động cơ hoặc thay thế hoàn toàn. Với những chiếc xe dân dụng, đây là một điều tối kỵ. Chẳng ai muốn phải thường xuyên đại tu hay thay mới hoàn toàn động cơ cho chiếc xe của mình trừ phi là họ không biết cất tiền vào đâu nữa.
Mặc cho những khó khăn vừa nêu, Mercedes-AMG lại muốn chứng minh rằng không gì là không thể với dự án siêu xe hypercar mang tên One. Được biết, chiếc xe này mang trên mình cỗ máy V6 1,6 lít tăng áp có nguồn gốc từ xe đua F1. Kết hợp với đó là hệ thống mô-tơ điện cho tổng công suất lên tới hơn 1000 mã lực. Với trọng lượng siêu nhẹ và thiết kế tối ưu khí động học, One được cho là có thể tăng tốc từ 0-100km trong chưa đầy 2,5 giây và tốc độ tối đa hơn 350km/h. Đúng như tên gọi của mình, One là duy nhất và thách thức phần còn lại của thế giới.
<iframe width="697" height="392" src="https://www.youtube.com/embed/h1Fk4He-Ecc" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>