Vừa qua trên các diễn đàn mạng xã hội, gần đây nhiều vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trên cao tốc khiến các tài xế lo ngại. Đặc biệt phải kể đến vụ nổ lớp xe ô tô khi đang lưu thông trên đường cao tốc.
Xử lý thế nào nếu xe bị nổ lốp khi đang chạy tốc độ cao?
Anh Bùi Hùng, thành viên nhóm OFFB, một diễn đàn về ô tô lớn trên mạng xã hội cho hay, anh không may bị nổ lốp xe khi đang lưu thông trên đường cao tốc.
“Hôm đó, mình chạy trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tốc độ 120km/h. Đang chạy êm thì nghe tiếng “roẹt” rất to, tay lái bị lạng, mình biết ngay là xe bị nổ lốp. Sau đó, tay lái “nhoằng” liên tục, xe giật khùng khục, tiếng vành rít trên đường chát chúa. “
Việc đầu tiên, hai tay mình ghì chặt vô lăng, rà phanh nhẹ, xác định trong đầu là phải hãm xe một cách an toàn. Mình xi nhan phải, liếc gương chiếu hậu và gương phải liên tục, tay vẫn ghì chặt vô lăng. May mắn là táp được vào lề an toàn rồi thay lốp trong 30 phút”, anh Hùng kể lại.
Sau sự cố trên cao tốc, anh Hùng cho rằng điều quan trọng nhất khi đó là cần phải hết sức bình tĩnh và tuyệt đối không đạp phanh gấp vì dễ lật xe.
Dưới phần bình luận, nhiều người cũng chia sẻ kinh nghiệm ứng phó khi lốp xe bị nổ trên đường cao tốc. Đa phần ý kiến đều đồng tình với cách xử lý của anh Bùi Hùng.
“Tôi cũng chạy 120km/h đoạn Hà Nam nhưng bị nổ lốp sau. Lúc đó tôi thấy láng xe và nghiêng. Nhìn gương hậu thấy cao su đang văng ra. Tôi từ từ giảm tốc độ và táp xe vào làn khẩn cấp để thay lốp dự phòng. May mắn không bị lật xe”, nick Nguyen Danh Tuyen kể.
“Quan trọng nhất khi nổ lốp là không được đạp phanh gấp, không đánh lái. Xử lý như anh là chuẩn nhất”, tài khoản Nguyen Anh bình luận.
Anh Mai Xuân Hùng có hơn 5 năm kinh nghiệm dạy lái xe, đồng thời là Ban quản trị diễn đàn ô tô OFFB, đưa ra một số cách xử lý trường hợp xe bị nổ lốp khi đang chạy tốc độ cao.
“Khi gặp sự cố nổ lốp, việc đầu tiên là phải bình tĩnh giữ chắc và thẳng tay lái, đồng thời rà nhẹ phanh. Việc phanh gấp vừa làm cho lái xe khó giữ làn đường, lại gây nguy hiểm cho xe phía sau”, anh Hùng nói.
Để an toàn, mọi người nên đi ở làn giữa trong 3 làn trên cao tốc, khi xảy ra sự cố sẽ “có đất” để xử lý. Nếu đã làm chủ được xe thì phải nhanh chóng phát tín hiệu khẩn cấp, đánh xe áp sát lề đường bên phải, dùng thêm vật cản như cành cây, áo, khăn lau xe,.... để cảnh báo cho xe sau.
Tài xế cần cảnh báo xa một chút, khoảng 100m. Nếu buổi đêm, mọi người nên tận dụng đèn pin của điện thoại để ra hiệu. Thay lốp xong, cần phải thu gom các vật cản trước đó cho sạch.
“Với dòng xe con, nhất là xe nhỏ thì bản lốp mỏng, khi bị nổ hay dính đinh thì độ chênh không lớn nên không quá nguy hiểm, nếu đi ở tốc độ vừa phải. Những loại lốp to như lốp xe 7 chỗ, xe tải hay các loại lốp săm, khi nổ sẽ bay hẳn ra gây nguy hiểm lớn”, anh Hùng cho biết.
Để tuyệt đối an toàn, anh Hùng khuyên lái xe luôn đeo dây an toàn, chủ động quan sát, lái xe bằng hai tay vì chỉ một viên đá hay vật cản nhỏ trên đường cũng có thể khiến xe nổ lốp khi đi ở tốc độ cao.
Chuyên gia chỉ cách phòng chống nổ lốp
Anh Phan Tiến Nghĩa là người có hơn 20 năm chuyên bảo dưỡng, chăm sóc lốp ô tô ở quận Đống Đa, Hà Nội. Sau nhiều vụ nổ lốp trên cao tốc, anh khuyên những ai đang sở hữu ô tô nên dành ra chút thời gian để kiểm tra tình trạng lốp.
“Mọi người cần để ý lốp xe xem có bị mòn, nứt, cạnh có biến dạng hay không. Nếu có, các bác tài nên thay ngay. Ngoài ra, lốp xe chỉ có thời hạn sử dụng trong vòng 5 năm. Đến thời gian thay, mọi người không nên tiếc rẻ hay nghĩ rằng nó còn tốt, vẫn sử dụng được mà giữ lại.
Khi đi, bác tài nên bơm lốp đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Không nên đi non quá vì lốp dễ bị dập, một thời gian sau sẽ dẫn đến nổ hoặc hỏng. Nhiều người bơm căng quá, khi đi trên cao tốc lúc trời nắng nóng, lốp cũng dễ phát nổ. Mọi người cần để ý bơm lốp theo đúng thông số của xe, được ghi trên cánh cửa bên lái và chọn lốp chính hãng, uy tín.
Quan trọng hơn, chủ xe nên lắp cảm biến áp suất lốp. Thiết bị này có thể giúp chúng ta theo dõi áp suất và nhiệt độ của lốp. Khi đi cao tốc, nhiệt độ thường tăng 80-90 độ C. Nếu không biết và xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nổ lốp”, anh Nghĩa cho hay.
Những người trên xe cần phải thắt dây an toàn, phòng trường hợp bất khả kháng. Khi lốp xe có dấu hiệu nổ trên đường, tài xế cần vững tay lái, tâm lý không được hoang mang. Nếu hoang mang, sợ hãi, đánh lái cuống và hành động theo phản xạ, sẽ dẫn tới tình huống xe bị lật hoặc mất lái, tông vào dải phân cách hay va chạm với các phương tiện khác.
Tình trạng rất nhiều xe máy đồng loạt gặp trục trặc khi sử dụng chìa khóa thông minh (smartkey) do bị nhiễu sóng đang gây chú ý cộng đồng sử dụng xe máy.
Không nên cố khởi động trong vũng nước, dắt bộ xe đến nơi sửa chữa gần nhất hay tìm một vị trí cao ráo để tiến hành làm khô các chi tiết trong xe là những việc nên làm nếu xe tay ga chẳng may đi vào vùng nước ngập sâu.
Tưởng chừng là điều không thể xảy ra tuy nhiên việc bơm nhầm nhiên liệu giữa xăng và dầu vẫn diễn ra khá phổ biến. Vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu rơi vào tình huống bất cẩn trên?. Bài viết dưới đây sẽ giúp ích cho bạn hiểu rõ hơn và cách xử lý khi xảy ra sự cố bơm nhầm nhiên liệu.
Hiệu suất của xe sẽ bị giảm đi thậm chí có thể làm hỏng xe nếu động cơ của ô tô quá nóng. Hiện tượng này xảy ra khi hệ thống nước làm mát xe bị thiếu hoặc bị rò rỉ. Vậy khi thấy dấu hiệu động cơ của ô tô nóng lên bạn cần làm gì? Bài viết này sẽ chia sẻ đến bạn đọc những típ xử lý đơn giản khi đồng hồ nhiệt tăng cao.
Dây côn là bộ phận duy nhất trực tiếp điều khiển việc đóng/mở của bộ phận ly hợp, giúp chiếc xe có thể sang số một cách mượt mà và chính xác.