Xe tay côn là loại xe có hệ thống đóng ngắt ly hợp bằng tay, cụ thể là ở bên trái tay lái xe có cần côn, bóp vào để ngắt và thả ra để đóng ly hợp (hay còn được gọi là nồi xe). Một số mẫu xe côn tay phổ thông đang được phân phối tại thị trường Việt Nam đó là Honda Winner, Yamaha Exciter hay Suzuki Raider.
Xe côn tay mang lại cho người cầm lái cảm giác điều khiển thể thao và phấn khích hơn so với dòng xe số tự động (hay xe côn tự động). Tuy nhiên, xe côn tay cũng có những rắc rối xảy ra mà xe côn tự động (xe số tự động) không có. Đó là một trong những rắc rối hay là cơn ác mộng với rất nhiều người thường gặp chính là việc dây côn bị đứt. Về đến nhà đứt thì còn đỡ chứ bị đứt dây côn dọc đường thì đúng là cực hình.
Dây côn bị đứt đồng nghĩa với việc người điều khiển không thể ngắt ly hợp, không thể sang số và khó vận hành xe sẽ rất nguy hiểm trong trường hợp xe đang chạy ở tốc độ cao.
Tại sao dây côn bị đứt đột ngột?
Đứt dây côn khi đang lưu thông trên đường là việc không ai muốn xảy ra. Vì thế, mọi người nên thực hiện việc kiểm tra xe định kỳ các chi tiết liên quan để hạn chế tối đa mọi rủi ro. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể mua sẵn một bộ dây côn thay thế để sẵn trong cốp xe phòng trường hợp xấu.
Một trong những nguyên nhân khiên dây côn bị dứt là bị khô dầu bôi trơn bên trong lõi dây, dù vậy đó cũng không phải vấn đề chính dẫn đến dây côn bị đứt. Cũng có nguyên nhân nằm ở phần cố định dây côn phía dưới động cơ.
Vị trí này rất dễ bị đứt là do lõi cáp dây côn bị lệch và ma sát mạnh với ốc tăng côn. Để khắc phục chỉ cần kiểm tra và điều chỉnh lại phần đầu ra của lõi cáp không cho ma sát với ốc cạnh đầu của ốc tăng côn là được.
Chưa hết, một phần nguyên nhân dây côn sớm đứt là do không được bảo dưỡng đúng cách, dây côn cũng là một trong những bộ phận này cũng cần được tra dầu bôi trơn định kỳ thường xuyên sau mỗi 10.000 km. Bởi trong quá trình hoạt động dây côn chịu lực ma sát mạnh với vỏ bọc bên ngoài nên nếu được bôi trơn đều đặn sẽ tăng đáng kể tuổi thọ của dây.
Cách xử lý tình huống khi xe bị đứt dây côn
Dây côn bị đứt đồng nghĩa với việc người điều khiển không thể ngắt ly hợp, không thể sang số và khó vận hành xe. Cách xử lý phổ biến nhất sẽ là "chạy cơm", dắt hoặc đẩy xe đến cửa hàng sửa xe gần nhất để thay thế dây côn mới.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn chạy xe khi dây côn đã bị đứt thì hãy dùng kỹ thuật “đá số sống”, nghĩa là sang số không cần bóp côn. Đầu tiên, hãy trả số về N (Neutral, hay còn gọi là số mo) và khởi động xe, sau đó đẩy xe cho đến khi đạt tốc độ từ 5 - 10 km/h thì chuyển từ N sang số 1 và chạy như bình thường. Để chuyển từ số 1 sang số 2 bạn chỉ cần nhả nhẹ tay ga để tua máy giảm xuống một ít rồi nhanh chóng chuyển số. Bạn có thể làm tương tự với các bước số còn lại.
Trả số không sử dụng côn sẽ có chút phức tạp hơn lên số. Nếu muốn về số thấp, mọi người chạm nhẹ cần số, theo hướng trả về số thấp, sau đó tăng nhẹ ga và nhả ra liền đồng thời kết hợp với chân để trả số.
Khi trả số xong, bạn cần tăng ga lên lại để giúp tốc độ động cơ và tốc độ xe được điều hoà, từ đó giúp xe vận hành mượt mà. Lý thuyết nghe có vẻ rắc rối nhưng khi tập luyện thuần thục thì việc trả số không cần sử dụng côn sẽ không quá khó khăn.