Cho thuê ôtô tự lái là một loại hình kinh doanh khá phổ biến. Thủ tục đơn giản, chi phí không quá đắt đỏ, chỉ cần có giấy phép lái xe là có thể thuê cho mình một chiếc ôtô để vi vu.

Thế nhưng việc giao xe cho người khác sử dụng để đi xa trong nhiều ngày cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Bị phạt nguội, chủ xe lãnh đủ!

Một trong những rắc rối mà nhiều người cho thuê xe gặp phải là việc khách hàng thuê xe đi xa vi phạm Luật giao thông và bị phạt nguội. Đến khi khách đã trả xe, hợp đồng đã tất toán thì chủ xe mới tá hỏa vì nhận được thông báo phạt, thậm chí có trường hợp đến hạn đăng kiểm xe mới biết xe của mình bị phạt nguội.

Chị Dung (người cho thuê xe ở Q. Gò Vấp, TP.HCM) cho biết chị từng nhiều lần phải đi đóng phạt vì lỗi của người thuê xe. Dù nhiều trường hợp sau khi đối chiếu thông tin, thời gian vi phạm, kiểm tra lại hợp đồng cho thuê xe có thể xác định được người thuê. Nhưng xác định được là một chuyện, còn việc "vận động" họ chịu tiền đóng phạt lại là chuyện khác. Không phải khách hàng nào cũng vui vẻ chấp nhận đi đóng phạt.

oto-tu-lai-thue-o-sai-gon-dem-cam-tuot-ben-campuchia

Cùng cảnh ngộ, anh Võ Quốc Bình (ở Q. Thủ Đức) cho biết trường hợp bị phạt nguội không phải quá nhiều, nên nhiều lúc chủ xe tự đi đóng phạt cho xong sau khi thương lượng với khách không thành.

Theo một cán bộ CSGT TP.HCM thì trường hợp chủ phương tiện nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.

Xe bị ngắt định vị, tìm thấy trong... tiệm cầm đồ

Không chỉ bị phạt nguội, nhiều chủ xe còn khổ sở khi xe bị đem đi cầm hoặc người thuê cho người khác sử dụng làm phương tiện phạm tội. Theo anh Võ Quốc Bình, trong 2 năm qua anh đã 7 lần trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo thuê xe tự lái rồi chiếm đoạt, cầm cố. Tuy may mắn tìm lại được xe nhưng phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Theo giới cho thuê xe tự lái, nếu xe bị cầm cố ở phạm vi trong nước thì còn dễ xử lý, trường hợp xe được đưa qua biên giới (thường là Campuchia) để cầm cố, tiêu thụ thì khả năng tìm lại được xe rất thấp. Anh Nhan Vi Thành (Q.10) kể hồi tháng 11-2019 anh cho khách thuê xe bán tải đi các tỉnh miền Tây. Đến ngày thứ 3 của hành trình, khi xe đến xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (gần biên giới Campuchia) thì đột nhiên thiết bị định vị mất tín hiệu.

Tá hỏa, anh Thành nhanh chóng tìm đến địa chỉ trên bản sao sổ hộ khẩu mà người thuê để lại mới biết thông tin là giả. Tưởng chừng đã "mất trắng" thì anh Thành đột nhiên nhận được tin báo xe được cầm ở Campuchia với giá 16.000 USD. Sau đó, anh Thành phải đánh liều một mình sang Campuchia chuộc xe về.

Không chỉ là nạn nhân của hành vi lừa đảo mang xe đi cầm cố, doanh nghiệp của anh Thành cũng nhiều lần "dở khóc dở cười" khi xe bị người thuê mang đi trộm tài sản hoặc đi buôn lậu thuốc lá...

Làm gì để tránh rủi ro?

Theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM), dịch vụ cho thuê xe là một dạng giao dịch dân sự được thiết lập thông qua hợp đồng thuê xe. Bộ luật dân sự 2015 quy định hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Do đó, thông qua hợp đồng thì các bên có thể thỏa thuận các điều khoản ràng buộc hơn đối với người thuê.

Ví dụ sau thời hạn 15 ngày mới hoàn trả tiền cọc, trong khoảng thời gian này chủ xe có thể kiểm tra thông tin phạt nguội trên các "cổng thông tin giao thông", nếu phát hiện bị vi phạm thì trừ số tiền phạt vào tiền đặt cọc.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng quan hệ giữa chủ xe với người thuê là quan hệ hợp đồng cho thuê tài sản nên các bên được tự do thỏa thuận quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng. Theo đó, để tránh những rủi ro pháp lý thì khi cho thuê xe, chủ xe cần phải làm hợp đồng bằng văn bản và quy định chi tiết, cụ thể những vấn đề liên quan.

Cụ thể là trách nhiệm quản lý, sử dụng xe, trách nhiệm chịu rủi ro đối với tài sản... Bên cạnh đó, chủ xe cũng có quyền yêu cầu người thuê phải cam kết sử dụng xe đúng mục đích thuê, không được sử dụng xe vào những mục đích trái pháp luật. Đồng thời khi ký hợp đồng nên đến các tổ chức hành nghề công chứng để công chứng hợp đồng thuê, vì các tổ chức hành nghề công chứng sẽ có các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện giấy tờ, tài liệu giả.

Đối với các trường hợp lo ngại người thuê xe khi tham gia giao thông bị phạt nguội, chủ xe nên yêu cầu bên thuê xe phải có trách nhiệm đặt cọc một khoản tiền/tài sản khác để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra các vấn đề như người thuê xe vi phạm Luật giao thông, có hành vi chiếm đoạt tài sản...

Cuối cùng, đối với các trường hợp xe cho thuê đã bị tắt GPS nhằm chiếm đoạt, cầm cố, bán tài sản cho người khác thì chủ xe có thể trình báo đến cơ quan công an sự việc này. Theo quy định của pháp luật, hành vi trên có dấu hiệu cấu thành của tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo điều 175 Bộ luật hình sự 2015. Đối với tội danh này, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà hình phạt có thể lên đến 20 năm tù.

Trường hợp người thuê xe dùng xe làm phương tiện phạm tội rất phiền phức cho người chủ xe vì xe sẽ bị cơ quan công an thu giữ để phục vụ công tác điều tra vụ án. Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của mình, chủ xe cần cung cấp giấy tờ xe và hợp đồng thuê xe để chứng minh mình là chủ sở hữu và không liên quan đến hành vi phạm tội của người thuê nhằm xin được nhận xe về.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.