Tiện ích, - 23/06/2020 06:10 PM
Với thông điệp “Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi”, anh Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê ở Xuân Trường, Nam Định) thành lập đội “Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel” vào tháng 9-2019, tại Hà Nội với số lượng thành viên hiện tại lên đến hơn 20 người.

Bản thân chia sẻ anh từng là nạn nhân từng bị bỏ rơi trong một vụ tai nạn nên đã nuôi ý định thành lập một nhóm Sơ cứu – cứu nạn để giúp đỡ nhiều trường hợp không may bị tai nạn giao thông trên đường.

Đội có ba hoạt động chính là sơ cứu vết thương cho người bị tai nạn giao thông, bảo vệ hiện trường và tài sản của nạn nhân, phối hợp với cơ quan chức năng tìm kiếm nhân chứng cũng như thông tin về nạn nhân và gia đình.

Hành động ý nghĩa này được nhiều người tán thưởng nhưng ít ai biết rằng nếu làm lơ, vô cảm trước những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, người không giúp đỡ có thể bị xử phạt hành chính, tệ hơn là ngồi tù.

Theo đại diện Đội CSGT Hà Nội, tại Điều 38 của Luật GTĐB có quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi có vụ TNGT xảy ra. Theo đó, những người liên quan trực tiếp đến vụ TNGT thì phải dừng xe lại, phải cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, đồng thời cung cấp thông tin giải quyết vụ TNGT đó.

Mặt khác, nhân chứng khi nhìn thấy vụ TNGT thì phải dừng lại cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, cung cấp những thông tin mà mình chứng kiến cho cơ quan công an để làm cơ sở tìm ra nguyên nhân của vụ TNGT.

Theo Khoản 7a Điều 11, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi không cứu giúp người bị TNGT khi có yêu cầu sẽ bị phạt tiền từ 0,5 - 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 - 2 triệu đồng đối với tổ chức.

Nếu trong tình trạng cấp bách, người làm ngơ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi không cứu giúp người bị TNGT, được quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015 "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

“Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.”

Nếu người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm hoặc là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp sẽ bị phạt từ từ 1- 5 năm. Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.