Thị Trường, - 25/05/2020 06:34 PM
Tuần qua, Chính phủ vừa trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó đề nghị tăng mức phạt tối đa trong xử lý vi phạm hành chính về giao thông lên đến 75 triệu đồng (hiện tại là 40 triệu đồng).

Lý giải về đề xuất trên, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước hiện quá thấp so với sự phát triển kinh tế - xã hội, vì thời điểm ban hành Luật là tháng 6/2012. Đặc biệt, một số hành vi vi phạm trong các lĩnh vực xảy ra ngày càng phổ biến, tinh vi, nguồn thu lợi bất hợp pháp là rất lớn, gây hậu quả lớn đến xã hội, làm thiệt hại kinh tế, thậm chí làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân.

Ban đầu, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành với ý kiến này.

Cũng trong văn bản trả lời Bộ Tư pháp về đề xuất sửa đổi, Bộ GTVT cho biết, việc tăng mức xử phạt tối đa vi phạm giao thông nhằm đảm bảo nguyên tắc kịp thời, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, ở các nước Á Đông như: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc là những quốc gia có ảnh hưởng của Khổng giáo, xã hội thường chấp nhận và cho rằng hình phạt nặng sẽ tạo được sự răn đe, làm cho người ta nghe đến chế tài đã thấy sợ không dám vi phạm. Vì vậy, việc nâng mức xử phạt là phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.

 “Phạt tiền nên hướng đến những hành vi gây thiệt hại về kinh tế. Còn mức phạt ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân như tước GPLX thì tập trung vào những hành vi uy hiếp đến ATGT.”, ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, ngoài tăng tiền phạt, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng cần tăng phải xử lý hình sự, những chế tài, hình phạt bổ sung phạt tù mới đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nếu nâng mức phạt lên đến 75 triệu đồng thì có thể còn cao hơn giá trị phương tiện và chủ phương tiện rất có thể sẽ không nộp phạt mà bỏ phương tiện lại. Trả lời ý kiến này, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng nếu CSGT làm nghiêm công tác sang tên, đổi chủ xe, khi có chính xác tên, địa chỉ người vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi giấy mời, giấy báo xử lý vi phạm về tận xã, phường và công an phường, xã có trách nhiệm làm rõ, yêu cầu người vi phạm thực hiện nộp phạt, thì chuyện bỏ xe không nộp phạt khó có thể xảy ra.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.