Thị Trường, - 29/09/2015 09:36 PM
Volkswagen đang trải qua thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử phát triển của mình với scandal gian lận kiểm định chất lượng khí thải đang gặp phải tại Mỹ. Tập đoàn sản xuất ô tô khổng lồ của Đức đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất khó khăn.

Trước đó, EPA công bố kết quả của một cuộc điều tra cho thấy tập đoàn xe hơi Đức đã cài đặt các phần mềm gian lận trên các mẫu xe trang bị động cơ diesel nhằm vượt qua các bài kiểm tra khí thải. Theo kết quả điều tra, có khoảng 500.000 động cơ TDI diesel được bán ở Mỹ từ năm 2009 đến năm 2015 và 11 triệu xe trên toàn thế giới bị ảnh hưởng. Và mới đây nhất, Audi cũng thừa nhận có tới 2,1 triệu ôtô của họ đã sử dụng phần mềm tương tự VW.

Audi cũng vừa xác nhận 2,1 triệu xe của hãng có liên quan đến phần mêm gian lận

Thuyết phục những nhà lập pháp và người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu sạch, nhưng chính mình lại phạm luật, sự hoài nghi về năng lượng sạch lại dấy lên vào thời điềm hiện tại. Đó là bi kịch của VW đang gặp phải.

Hệ quả tất yếu

Sau khi sự thật bị phanh phui bởi cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), cổ phiếu của Volkswagen bắt đầu lao dốc ở mức 22% trong phiên giao dịch ngày 21.9, mức giảm cao nhất trong vòng 7 năm qua, làm bốc hơi số tiền tương đương 18 tỷ đô la. Và nếu tính từ đầu năm đến thời điểm này, cổ phiếu của hãng đã giảm tới 32%, theo Bloomberg.

Không những vậy, tập đoàn ô tô có trụ sở tại Wolsburg, Đức này sẽ phải đối mặt với nhiều án phạt hàng tỷ USD, tạm thời ngưng bán, triệu hồi những dòng xe có liên quan cũng như buộc phải hợp tác với cơ quan điều tra trước khi sự việc tiến triển xấu hơn và có thể bị buộc tội hình sự.

VW đang chịu rất nhiều sức ép

Khủng hoảng còn lan rộng đến mức, tần suất xuất hiện của Volkswagen trên hầu hết các hãng thông tấn lớn trên thế giới khó có thể thống kê hết được. Tờ BBC của Anh quốc cho biết, tập đoàn Transport & Environment có trụ sở tại Brussels, Bỉ khi chứng kiến bê bối gian lận khí thải của VW đã ví von rằng, mức carbon – dioxide đang được “nhân rộng” ra.

Khủng hoảng lan rộng

Ngày 27.7, tờ Telegraph đưa tin, cơ quan chức năng Thụy Sĩ đã ban bố lệnh cấm bán đối với 180.000 xe hơi của Volkswagen hoặc chưa bán được hoặc đã đăng ký bán ở thị trường Thụy Sĩ. Lệnh này được áo dụng cho những xe chạy dầu diesel ở hạng mục tiêu chuẩn khí thải “Euro 5”, trong đó bao gồm cả những thương hiệu lớn thuộc sở hữu của VW như Skoda (Czech), Seat (Tây Ban Nha).

Chưa dừng lại ở đó, chính phủ Anh, Pháp cho biết cũng đang tiến hành rà soát, kiểm tra ngẫu nhiên những chiếc xe trên đường để tìm hiểu xem chúng có thật sự “sạch” không? Ông Patrick McLoughlin, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Anh cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành kêu gọi liên minh châu Âu EU tiến hành cuộc thanh tra toàn diện để tìm kiếm bằng chứng, liệu những chiếc xe ở đây có được trạng bị phần mềm gian lận khí thải như vậy không?”.

Thương hiệu của VW bị tổn hại nghiêm trọng

Trong một bài viết trên Financial Time, ông David Bach, chuyên gia tài chính thuộc đại học Yale phân tích: Với cú vấp ngã đầy “đau đớn” này, thiệt hại của VW không chỉ là doanh số bán hàng, lợi nhuận trong ngắn hạn mà còn là ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh xe “made in German”. Những thương hiệu xe sang đã làm nên tên tuổi của nước Đức như Mercedes, BMW, Audi… sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Đó là chưa kể đến công nghiệp ô tô với những cái tên đình đám như trên là xương sống của ngành công nghiệp nước Đức, nền kinh tế đứng đầu EU.

Thậm chí bê bối của VW được nhận đinh là đáng sợ hơn cả khủng hoảng Hy Lạp. Carsten Brzesk, một chuyên gia kinh tế của hãng ING nói: “Không thể tin được là VW giờ đây lại là mối đe dọa về kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, hơn cả khủng hoảng nợ Hy Lạp. Nếu doanh số của VW sụt giảm tại thị trường Bắc Mỹ trong thời gian tới, nó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân VW mà còn cả nền kinh tế Đức nói chung”.

Bởi lẽ, doanh số bán xe cho tại thị trường nước ngoài trong năm 2014 của VW ước đạt 200 tỷ Euro (tương đương 225 tỷ USD), chiếm 1/5 doanh số xuất khẩu của Đức. VW cùng với những hãng xe khác đã làm nên ngành công nghiệp ô tô lớn mạnh của Đức, đóng góp khoảng 2,7% vào GDP của nước này.

Trước những diễn biến chưa cho thấy dấu hiệu tích cực, ngân hàng Deutsche Bank đã buộc phải điều chỉnh giảm dự báo chỉ số chứng khoán DAX của Đức trong năm 2015. Đại diện chính phủ Đức cũng phải lên tiếng trấn an dư luận.

Với ngần ấy khó khăn phải đối mặt, thuyền trưởng mới của VW, ông Matthias Muller, cựu CEO của Porche sẽ phải đương đầu với hoàng loạt khó khăn khi chèo lái con thuyền VW.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.
Tags: Volkswagen