Vì là xe điện nên một trong những phần quan trọng nhất chính là pin. Đó là cội nguồn năng lượng của chiếc xe. Tuy nhiên, chi phí sản xuất hiện tại của pin vẫn còn khá đắt đỏ, trong khi mật độ năng lượng không quá cao. Chính điều này đã ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của EV.
Mới đây, các nhà khoa học tới từ đại học Caltech và Northwestern đã tìm ra một phương pháp sản sinh dòng điện đầy bất ngờ. Cụ thể, họ đã phát hiện ra rằng sắt ô-xít hay nôm na là sắt gỉ cũng cho thấy các hiệu ứng điện động học tương tự như graphen – một trong những vật liệu siêu đắt tiền và khó chế tạo với hàng loạt ứng dụng quan trọng, trong đó có sản xuất pin.
Emily Velasco – một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết cơ chế sinh điện từ gỉ sét khá phức tạp, liên quan đến quá trình hút bám và khử ion. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản là các ion có trong nước mặn sẽ thu hút các electron nằm bên dưới lớp gỉ sét. Dòng nước dịch chuyển cùng với các ion. Và nhờ có lực hấp dẫn, chúng sẽ kéo theo các electron trong sắt, từ đó sinh ra dòng điện.
Nếu như các tấm phim graphen rất khó sản xuất thì sắt gỉ ngược lại hoàn toàn. Người ta có thể dễ dàng tạo nên những miếng sắt gỉ cỡ lớn với chi phí cực kỳ thấp. Theo ước tính, một tấm sắt gỉ có diện tích 10m2 có thể sản sinh tới vài kW điện mỗi giờ, đủ để phục vụ nhu cầu sử dụng của một hộ gia đình. Với những nước còn thiếu điện như Việt Nam thì khám phá này quả thực là rất ý nghĩa.
Tiềm năng của nghiên cứu trên được đánh giá là rất hứa hẹn và có phạm vi áp dụng thực tế rất rộng với tính bền vững cao. Biết đâu đấy, EV trong tương lai sẽ hoạt động với mấy miếng sắt gỉ ở bên trong.