Thị Trường, - 31/10/2019 03:19 PM
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp ô tô và mỗi người dân nêu cao tinh thần dân tộc, cảnh giác phát hiện và từ chối những chiếc xe có cài ứng dụng bản đồ “đường lưỡi bò”.

Xe có bản đồ “đường lưỡi bò” dễ dàng lọt vào Việt Nam

Vụ việc những chiếc ô tô có ứng dụng bản đồ “đường lưỡi bò” được bán và trưng bày tại Việt Nam mới đây đã đặt ra một thách thức mới cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia ngay từ khâu kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật sản phẩm hàng hóa.

Hôm qua, 29/10, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có thêm một công văn tiếp theo số 4367/ĐKVN-VAQ gửi các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cũng như các tổ chức, cá nhân nhập khẩu ô tô về vấn đề này.

Theo đó, Cục Đăng kiểm yêu cầu tất cả các đơn vị phải kiểm tra ứng dụng, tài liệu và hình ảnh trên các xe ô tô nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp. Nếu phát hiện có sử dụng hình ảnh, dữ liệu vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam thì kiên quyết yêu cầu gỡ bỏ. Cục sẽ từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm cho các trường hợp vi phạm.

Bản đồ định vị trên mẫu Zotye T600 đời 2017 xuất hiện "đường lưỡi bò" (ảnh: Theo Zing)

Zotye Z8 rất thông dụng ở Việt Nam

Trước đó, trường hợp vi phạm đầu tiên được phát hiện là trên các mẫu xe du lịch Trung Quốc thương hiệu Zoyte và BAIC do Công ty Kylin-GX668 ( đường Phạm Văn Đồng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) nhập khẩu. Các mẫu xe này trưng bày tại showroom đều được cài ứng dụng định vị dẫn đường (navigation)  sử dụng hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò”.

Công ty Kylin GX668 đã gỡ bỏ ngay sau đó và lên tiếng xin lỗi khách hàng. Tuy nhiên, không chỉ là nhà nhập khẩu nhỏ, trường hợp tương tự lại bị phát hiện ngay trên ô tô trưng bày của chính hãng tại sự kiện thương mại lớn nhất của ngành ô tô Việt Nam.

Đó là mẫu Volkswagen Touareg giá khoảng 4 tỷ đồng trưng bày tại Triển lãm Ô tô Việt Nam (diễn ra từ 23-27/10). Chỉ sau khi một khách hàng xem xe phát hiện bản đồ đường lưỡi bò, hãng Volkswagen tại Việt Nam mới khóa ứng dụng và lên tiếng giải thích, đây là xe tạm nhập tái xuất, mượn của đối tác Trung Quốc để trưng bày.

Mẫu Volkswagen Touareg giá khoảng 4 tỷ đồng trưng bày tại Triển lãm Ô tô Việt Nam

Điều đáng lưu ý là, các trường hợp vi phạm trên đều do khách hàng phát hiện ra. Nguyên nhân để lọt ô tô bản đồ “đưỡng lưỡi bò” vào bày bán ở Việt Nam đều do các công ty nhập khẩu ô tô và cơ quan chức năng “không biết” và”không kiểm tra”.

Tính đến thời điểm này, lượng ô tô du lịch Trung Quốc vào Việt Nam qua 'cổng" đăng kiểm ước khoảng 300 xe.

Cần bổ sung nội dung kiểm soát ô tô nhập khẩu

Trước các vấn đề này, chiều qua, 29/10, cơ quan gác cổng xuất nhập khẩu hàng hóa- Tổng cục Hải quan đã có cuộc họp nội bộ bàn giải pháp xử lý.

Trao đổi với PV Xe VietNamNet, một Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho hay: Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết. Chúng tôi đang tìm biện pháp xử lý cao nhất có thể. Trước mắt, sẽ phải kiểm soát chặt tất cả các ô tô  nhập khẩu vào Việt Nam, tập trung xe từ Trung Quốc bởi các xe của nước này sẽ thường sẽ cài bản đồ này.

“Việc xử lý phải làm sao đúng pháp luật vì liên quan đến phía nước ngoài”, vị này cho hay.

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay trên lĩnh vực hải quan và đăng kiểm, các quy trình thủ tục đang áp dụng với ô tô sẽ không phát hiện được việc cài cắm những thông tin vi phạm chủ quyền quốc gia như vậy.

Ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm cho biết, hiện nay, cơ quan đăng kiểm kiểm tra ô tô theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành. Hạng mục định vị dẫn đường là option (tùy chọn) đi theo xe, không nằm trong quy định bắt buộc phải kiểm tra. Do đó,  đã dẫn đến trường hợp xe vi phạm của nhà nhập khẩu Kylin -GX668. Cục Đăng kiểm đã yêu cầu Kylin -GX668 phải liên hệ nhà sản xuất gỡ bỏ ngay bản đồ này trước khi nhập khẩu xe vào Việt Nam.

Với trường hợp vi phạm thứ hai là xe Volkswagen Touareg, ông An cho hay, do đây là xe tạm nhập tái xuất nên theo quy định, không phải qua đăng kiểm.

“Tuy nhiên, kể cả chiếc xe này có qua thủ tục đăng kiểm thì cũng như trường hợp của công ty Kylin-GX668, chúng tôi cũng không thể phát hiện ngay ra vi phạm”, ông An nói.

Ông An cho biết, đến nay, Cục Đăng kiểm đã thông báo nội bộ siết chặt việc đăng kiểm xe nhập khẩu. Kể cả quy định hiện hành không yêu cầu,  tất cả các nhân viên đăng kiểm phải chủ động kiểm tra kỹ cả phần mềm bản đồ trên xe, nếu phát hiện vi phạm, lập tức từ chối đăng kiểm.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, cơ quan chức năng không thể kiểm tra cả chiếc ô tô mà lại để lọt những vấn đề nhạy cảm như vậy. Trước các vi phạm đã xảy ra, phía cơ quan quản lý giao thông vận tải cần phải đưa bổ sung nội dung này trong quá trình kiểm tra ô tô nhập khẩu.

Trên thực tế, theo các chuyên gia ô tô, để phát hiện ngay từ khâu nhập khẩu hay đăng kiểm việc cài cắm bản đồ đường lưỡi bỏ là không đơn giản. Trường hợp xe nhập khẩu được phía nước ngoài cài sẵn phần mềm nhưng khi kiểm tra, chưa chắc đã phát hiện ra ngay. Phải đến khi tra chìa khóa, khởi động xe thì phần mềm mới bắt đầu download và tới lúc đó, người dùng mới phát hiện.

Do đó, việc ngăn ngừa những chiếc xe vi phạm về chủ quyền quốc gia phải bắt đầu từ chính bản thân các hãng xe, nhà nhập khẩu xe tại Việt Nam.  Các công ty tại Việt Nam cần phải thẩm định chính các tài liệu, phần mềm do công ty mẹ gửi để đảm bảo chiếc xe lưu hành phù hợp với pháp luật ở Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, các tài liệu, ấn phẩm… có nội dung hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia khi sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” đều bị xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu tang vật. Do đó, đã có ý kiến đề xuất cần phải tính đến giải pháp tịch thu, tiêu hủy chiếc xe Volkswagen Touareg như một tang vật vi phạm về vấn đề chủ quyền quốc gia.

Theo Vietnamnet

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.