Bugatti từng gây sốc thế giới ô tô vào năm ngoái khi tuyên bố chiếc Chiron Super Sport 300+ đã đạt tốc độ 304,773 dặm/h (490,484 km/h). Tuy nhiên, có ít nhất một người thấy việc này chẳng mấy ấn tượng; đó là Jerod Shelby, ông chủ hãng siêu xe SSC của Mỹ. Đây chính là hãng vừa lập kỷ lục tốc độ nhanh nhất mà một chiếc xe sản xuất thực tế có thể đạt được, với chiếc Tuatara, đạt tốc độ 316,11 dặm/h (508,7 km/h).
Để được Guinness công nhận là kỷ lục thế giới, một chiếc xe phải đạt tốc độ tối đa ở cả lượt chạy đi và về, sau đó lấy số trung bình cộng làm kết quả. Koenigsegg đã từng được ghi nhận lập kỷ lục với chiếc Agera RS, nhưng Bugatti lại chọn phương án chỉ cho chiếc Chiron Super Sport 300+ chạy một lượt.
Nhà sản xuất ô tô Pháp giải thích rằng đường thử Ehra-Lessien của Tập đoàn Volkswagen ở bang Lower Saxony (Đức) không an toàn để chạy chiều ngược lại. Tuy nhiên, ông Shelby cho rằng có một lý do khác.
“Theo tôi, chắc chắn mỗi xe đều có những giới hạn,” ông Shelby nói. “Ý tôi là ở khía cạnh chế tạo cơ khí và khoa học. Chúng ta đang nói về hệ số cản, công suất và các tỷ số truyền. Nếu như thế giới này hoàn hảo thì tôi và bạn, hay rất nhiều các kỹ sư có thể tính được tốc độ về mặt lý thuyết đó. Chiron [Super Sport 300+], về lý thuyết, có thể đạt tốc độ 286 dặm/h (460 km/h). Và đó là phiên bản sản xuất thực tế”.
Chiếc xe mà Bugatti dùng để thử thách tốc độ có gầm thấp hơn so với bản sản xuất thực tế; đó là chưa kể xe có khung chống lật, không có ghế phụ, và các giới hạn điện tử đã được gỡ bỏ. Theo tính toán của ông Shelby, mẫu xe sản xuất với số lượng hạn chế Chiron Super Sport 300+ không thể vượt quá tốc độ tối đa 490 km/h mà không có nâng cấp gì.
Dù không cho rằng tốc độ tối đa mà Bugatti công bố là hợp lệ, nhưng ông vẫn muốn hạ đo ván bằng chiếc Tuatara của SSC. Với tay đua người Anh Oliver Webb sau tay lái, chiếc siêu xe của SSC đã thực hiện được sứ mệnh đó, với tốc độ trung bình hai chiều là 316,11 dặm/h (508,7 km/h) và tốc độ tối đa một lượt chạy là 331 dặm/h (532,7 km/h).