Tin xe, - 14/10/2017 03:03 PM
Tập đoàn Kobe Steel (Nhật Bản) đang khiến dư luận rúng động sau khi thừa nhận làm giả dữ liệu về độ bền chắc của một số sản phẩm nhôm và đồng được sử dụng trong máy bay, xe hơi, thậm chí cả tên lửa vũ trụ. Nhiều đại gia ô tô như Toyota, Mitsubishi, Mazda, Nissan, Honda... thừa nhận sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu từ Kobe Steel.

Ngày 8/10, Tập đoàn Kobe Steel của Nhật Bản đã khiến dư luận nước này rúng động sau khi thừa nhận làm giả dữ liệu về độ bền chắc của một số sản phẩm nhôm và đồng được sử dụng trong máy bay, xe hơi, thậm chí cả tên lửa vũ trụ.

Một cuộc điều tra nội bộ cho thấy dữ liệu đã được làm giả cho khoảng 19.300 tấn sản phẩm nhôm, 2.200 tấn sản phẩm đồng và 19.400 sản phẩm đúc nhôm và được giao cho các khách hàng từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017.

o-to-nhat-dung-thep-gia-chat-luong-cac-hang-xe-viet-noi-gi

Công nhân lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Vụ bê bối của Tập đoàn Kobe Steel về làm giả dữ liệu chất lượng sản phẩm, đang ngày càng nghiêm trọng khi 6 trong số các nhà sản xuất ôtô nổi tiếng nhất của "xứ mặt Trời mọc" bao gồm Toyota, Mitsubishi Motors, Subaru, Mazda, Nissan và Honda cho biết đã sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu từ Kobe Steel.

Vụ bê bối của Kobe đe dọa làm suy giảm thêm niềm tin vào quản lý chất lượng của ngành sản xuất Nhật Bản và quản lý nhà nước. Hồi tháng 2/2017, hãng sản xuất túi khí Takata (Nhật Bản) cũng thừa nhận với cơ quan chức năng Mỹ về việc nói dối khách hàng. Vụ bê bối đã khiến hãng sản xuất túi khí lớn nhất thế giới này phá sản. Tháng 3, hãng lốp xe Toyo Tire & Rubber cũng thừa nhận làm giả dữ liệu về cao su dùng trong các tòa nhà có khả năng chịu động đất.

Trong khi đó tại Việt Nam, phần lớn linh kiện ô tô đều nhập khẩu. Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí đúng nghĩa, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản.

Tại Hội thảo –Triển lãm Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam” sáng 12/10, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã chỉ rõ thực trạng của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam.

Theo Cục Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Các ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô đã hình thành nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm lốp, sản phẩm nhựa v.v… Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và sản xuất phụ tùng linh kiện vẫn chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn; Các loại nguyên vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện các liên doanh Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Mitsubishi,… đều khẳng định chưa nhận được thông báo nào từ nhà chức trách Việt Nam và Nhật Bản liên quan đến việc kiểm tra chất lượng sản phẩm ô tô sau vụ bê bối của Tập đoàn Kobe Steel.

Ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho biết, chưa nhận được thông báo nào từ phía Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và phía Nhật Bản về vấn đề này.

Trước đó, Vietnamplus đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản vừa yêu cầu các nhà sản xuất xe hơi tiến hành kiểm tra khẩn cấp để xem liệu có cần tiến hành các chiến dịch thu hồi xe hay không liên quan quan đến vụ bê bối của Tập đoàn Kobe Steel.

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay: Để sản xuất một chiếc ô tô cần đến khoảng 30.000 linh kiện khác nhau và một lượng lớn các loại vật liệu khác nhau, như linh kiện kim loại, nhựa, cao su,… các linh kiện điện tử.

Theo ông Tuấn, vì phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, phụ tùng nên nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam phải chịu thêm các chi phí khác như đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu. Do đó, tổng chi phí sản xuất cả chiếc xe ở Việt Nam sẽ cao hơn so với sản xuất tại Thái Lan hay Indonesia.

Theo Tiền phong

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.