Những tranh cãi về xe gặp lỗi
Tháng 3/2018, anh Quốc Bình, một người kinh doanh xe cũ tại TP HCM, đâm đơn kiện Ford vì cho rằng mẫu Focus 2014 mà anh sử dụng gặp lỗi hộp số PowerShift, gây nguy hiểm khi vận hành. Đơn kiện của anh Bình còn đại diện cho 76 chủ xe khác gặp lỗi tương tự.
Hộp số trên những xe này gặp vấn đề trượt côn, đôi khi đạp ga nhưng không lăn bánh, vào số giật, khựng, đặc biệt khi đường đông.
Anh Quốc Bình (thứ hai từ phải sang) trong một buổi làm việc với Ford.
"Người Việt vẫn còn e ngại trong các tranh chấp về quyền lợi với các hãng. Một phần vì kiến thức kỹ thuật về xe chưa nhiều, các thủ tục pháp lý cũng vậy", Quốc Bình nói. "Vì thế mà khi sử dụng xe gặp trục trặc, người dùng luôn ở thế cửa dưới so với đại lý hay hãng xe".
Sau một thời gian dài đàm phán, Ford đã chủ động liên lạc, hỗ trợ và khắc phục cho các chủ xe gặp lỗi. "Thiện chí của họ rõ ràng, chúng tôi không muốn làm khó. Nhưng việc khiếu kiện vẫn phải thực hiện để bảo vệ quyền lợi".
Sau Ford, đến tháng 8/2018, khách hàng Honda phản ánh CR-V nhập khẩu Thái Lan bị gỉ sét ở vòng đệm trên càng chữ A bánh sau. Lo lắng mất an toàn, nhiều chủ xe CR-V đến đại lý yêu cầu kiểm tra. Một tuần sau khi sự việc phát hiện, hãng ra thông báo "xe gỉ sét vẫn an toàn", sau khi tham khảo từ Honda Thái Lan.
Vị trí bị gỉ trên một chiếc CR-V 2018.
Khi Honda CR-V vừa lắng xuống, giữa tháng 8, hàng loạt chủ xe Mercedes phản ánh cầu trước mẫu GLC bị vào nước. Số tiền 160-170 triệu đồng nếu phải thay bộ vi sai mới khiến nhiều khách hàng thấp thỏm, đồng loạt đưa xe đến đại lý kiểm tra khiến một số nơi quá tải.
Mercedes Việt Nam cho biết đó không phải lỗi mà nằm trong tiêu chuẩn thiết kế, khuyến cáo chủ xe không lội nước quá 300 mm. Đồng thời hãng xe Đức đưa ra giải pháp "độ" van thông hơi, vị trí nước có thể xâm nhập vào vi sai. Cụ thể, một ống sẽ nối từ van (gầm xe) kéo lên phần động cơ dưới nắp ca-pô, chi phí chính hãng 600.000 đồng.
Vì sự việc chỉ xảy ra ở Việt Nam, hãng không chuẩn bị kịp linh kiện nên nhiều xe phải chờ, trong khi chủ xe vẫn phải đi lại hàng ngày. Những người sử dụng xe sang gầm cao khi đó thừa nhận trải qua một phen dở khóc dở cười.
Một xưởng dịch vụ của Mercedes đầy xe GLC đến kiểm tra hôm 14/8. Ảnh: Nguyễn Linh.
Triệu hồi hàng loạt xe bán chạy
Honda, Toyota, Ford, Hyundai, Mitsubishi, Subaru, Audi là những hãng xe trong 2018 có xe gặp lỗi, buộc phải triệu hồi xe để sửa chữa, khắc phục tại Việt Nam. Dưới đây là thống kê những vụ triệu hồi số lượng lớn:
Thời điểm | Mẫu xe | Giai đoạn sản xuất | Số lượng (xe) | Nguyên nhân |
Tháng 3 | Honda City | 2013-2014 | 1.524 | Lỗi túi khí |
Tháng 8 |
Toyota Altis, Vios, Yaris |
2/1/2013-31/12/2013 | 11.346 | Lỗi túi khí |
Tháng 8 | Ford Ranger | 5/6/2015-2/2/2016 | 2.566 |
Cáp chuyển số tiếp xúc với trục các-đăng khiến xe khó chuyển số hoặc mất dẫn động |
Tháng 10 | Hyundai i10 | 07/06/2017-31/03/2018 | 11.540 |
Bu-lông bắt đầu puly có thể bị gãy, do lực siết quá mạnh |
Tháng 11 | Audi A6 | 1/1/2009-1/12/2011 | 103 | Lỗi túi khí |
Tháng 12 | Ford Ranger, Fiesta |
23/5/2011-20/5/2015 (Ranger), 2/11/2010-15/11/2013 (Fiesta) |
17.132 | Lỗi khóa cửa có thể bị bung |
Tháng 12 | Mitsubishi Outlander, Outlander PHEV | 1/1/2018-17/7/2018 | 971 |
Lỗi phần mềm điều khiển hệ thống phanh và cân bằng điện tử |
Ngoài các hãng xe kể trên, tháng 11/2018, Subaru cũng phát đi thông báo triệu hồi những mẫu xe như Subaru Legacy, Outback đời 2013-2014, Forester đời 2012-2014, Impreza, XV đời 2012-2014 được trang bị động cơ FA20 hoặc FB20 ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Nguyên nhân từ lỗi lò xo xú-páp. Dưới áp lực cao, các lò xo xú-páp trên động cơ của những xe bị ảnh hưởng có khả năng bị gãy.
Bên cạnh đó, các mẫu Legacy, Outback đời 2018, được sản xuất trước 1/8/2018 cũng thuộc diện triệu hồi. Nguyên nhân đến từ hệ thống hiển thị đa thông tin chỉ báo mức nhiên liệu và quãng đường xe còn chạy được, chưa chính xác. Tuy nhiên cả hai cuộc triệu hồi, hãng đều chưa có con số chính xác xe mắc lỗi tại Việt Nam.
Theo Vnexpress