Sự sụt giảm sâu kim ngạch nhóm mặt hàng này cũng chính là một trong những nhân tố chính khiến cho số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm mạnh trong thời gian qua.
Theo Tổng cục Hải quan, ngay từ tháng đầu năm 2012 đã có sự sụt giảm kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc các loại. Kết thúc quý 1/2012, tổng lượng ôtô nguyên chiếc nhập về là 7,32 nghìn chiếc, giảm 53,5% (trị giá 137 triệu USD) và giảm 50,8% về lượng so với cùng kỳ năm 2011.
Tính đến trung tuần tháng 4, chỉ có 8.155 ôtô nguyên chiếc các loại được nhập, tổng giá trị kim ngạch trên 151 triệu USD. Con số này chỉ tương đương 44% về lượng và gần 44,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011. Theo Bộ Tài chính, kết thúc 4 tháng đầu năm, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu đã giảm tới 57,6% và linh kiện ôtô cũng giảm 16,8%.
Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu thường chịu tác động từ một số nhóm mặt hàng chính, có kim ngạch lớn, thuế suất cao như: dầu thô, than đá, xăng dầu, ôtô nguyên chiếc, linh kiện ôtô, xe máy nguyên chiếc.
Ghi nhận từ số liệu hải quan cho thấy, tất cả các nhóm mặt này đều có sự sụt giảm kim ngạch đáng kể trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong khi kim ngạch nhập khẩu dầu thô chỉ giảm 14,7%, than đá cũng giảm ở mức 5,5% hay xăng dầu giảm 34% thì nhóm mặt hàng ôtô nguyên chiếc lại có mức sụt giảm cao nhất, lên tới 57,6%.
Đây cũng là nhân tố chính kéo số thu ngân sách giảm. Số thu từ hoạt động xuất nhấp khẩu trong những tháng đầu năm đạt thấp, khoảng 63,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28,4% dự toán. So với cùng kỳ, số thu cân đối từ hoạt động này giảm đáng kể (khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng).
Theo tính toán, nếu như giá trị xăng dầu nhập khẩu giảm 15,8% so với cùng kỳ 2011, dẫn đến giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng; xe máy nguyên chiếc giảm 42%, giảm thu 336 tỷ đồng; linh kiện xe máy giảm 16%, giảm thu khoảng 110 tỷ đồng, thì với giá trị ôtô nguyên chiếc nhập khẩu giảm 51% trong quý 1 đã làm giảm thu tới 4,36 nghìn tỷ đồng.
Trong số 243.390 tỷ đồng thu ngân sách nhà nước tính tới hết tháng 4, theo Bộ Tài chính, số thu này hầu hết là từ nguồn thu nội địa. Không chỉ giảm thu do lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu giảm mạnh, theo các chuyên gia, mức thất thu ngân sách từ phần giảm thu thuế tiêu thụ xe lắp ráp trong nước cũng khá cao.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (WAMA) cho biết, từ đầu năm tới nay, thị trường ôtô liên tục trầm lắng, doanh số bán hàng của các nhà sản xuất suy giảm mạnh. Trong 2 tháng đầu tiên của năm 2012, thị trường Việt Nam chỉ tiêu thụ đạt 10.390 xe, giảm 44% so voi cùng kỳ 2011. Dự báo từ WAMA, sức tiêu thụ xe ôtô năm 2012 chỉ đạt khoảng 135.000 xe, giảm đáng kể so với 164.700 xe đã được ước tính. Điều này đồng nghĩa, thuế thu từ tiêu thụ xe lắp ráp trong nước cũng tỷ lệ thuận với mức giảm trên.
Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, dự báo trong những tháng tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tiếp tục có xu hướng giảm do tác động từ những chính sách liên quan (hạn chế nhập hàng xa xỉ, chính sách thuế...), vì vậy, sẽ tiếp tục tác động không thuận tới số thu hải quan.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 cho biết, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Các chính sách này cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/3.
Nửa đầu năm nay lượng ôtô từ Indonesia và Thái Lan chiếm áp đảo lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam, với hơn 80% toàn thị trường.
EuroCham vừa kiến nghị giảm 50% phí trước bạ cho xe nhập khẩu như ôtô sản xuất trong nước để xóa bỏ phân biệt đối xử.
Trong khi doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đã giảm 12% từ đầu năm, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc bán ra thị trường lại tăng tới 118% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 vừa qua, đã có 11.109 ôtô làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam, tăng 18% so với tháng trước đó, lập kỉ lục mới về số lượng xe nhập khẩu trong một tháng của năm 2019 này.