“Ngoại” lo mất phần
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã liên tiếp gửi kiến nghị liên quan đến Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, bởi lo ngại bị ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh.
Đơn cử yêu cầu “các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài”. Đa số các thành viên VAMA cho rằng, họ đều không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.
Doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, lắp ráp ô tô đều phải đáp ứng điều kiện như nhau. Ảnh: T.H
“Chính phủ của mỗi quốc gia tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ô tô tiêu thụ trong nước mà thôi, các xe ô tô sản xuất để xuất khẩu không thuộc đối tượng này. Do đó, sẽ có sự khác biệt giữa thông số kỹ thuật của xe xuất khẩu và xe tiêu thụ trong nước”, kiến nghị của VAMA cho hay.
Về yêu cầu “thử nghiệm từng lô xe nhập khẩu”, các doanh nghiệp ngoại cũng cho rằng, không thể tuân thủ được, do gánh nặng của việc cùng một mẫu xe nhập khẩu nhưng bị thử nghiệm đi, thử nghiệm lại về khí thải và an toàn theo từng lô hàng nhập khẩu. Cộng thêm đó là tăng chi phí lên tới 10.000 USD cho việc thử nghiệm theo từng lô hàng.
Một khó khăn khác được nhắc tới là yêu cầu sở hữu hoặc thuê đường thử có tổng chiều dài lên tới 800 mét. “Thời điểm hiện tại, không có thành viên VAMA nào có sẵn đường thử đáp ứng điều kiện của Nghị định 116 do không có đủ đất cho việc xây dựng mới hoặc mở rộng thêm đường thử. Việc thuê đường thử cũng có nhiều khó khăn do chi phí rất lớn cho việc thuê đường thử và chi phí vận chuyển xe từ nhà máy sang khu vực đường thử và ngược lại, do quy định 100% xe lắp ráp trong nước phải được thử trên đường thử.
VAMA cũng đề xuất Bộ Công thương không áp dụng hồi tố yêu cầu này với các nhà sản xuất đã đầu tư và đang hoạt động bình thường hiện nay.
“Nội” tăng đầu tư
Cho rằng, không có chuyện phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI trong các chính sách về ngành ô tô, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Hyundai Thành Công cho hay, tất cả các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, lắp ráp ô tô đều phải đáp ứng điều kiện như nhau, chứ không có chuyện ưu tiên cho doanh nghiệp nội địa.
“Nếu cho là doanh nghiệp nội địa được ưu đãi thì doanh nghiệp FDI hãy đầu tư, phát triển sản xuất tại Việt Nam để cũng nhận được các ưu đãi này, thay vì chỉ đơn giản nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ nước ngoài về để bán cho nhanh và kiếm lợi nhuận”, ông Đức nói.
Có mục tiêu xuất khẩu xe nhãn hiệu Hyundai sản xuất tại Việt Nam sang các thị trường khác, ông Đức cũng cho rằng, Hyundai Thành Công đã xác định phải đối mặt với các quy định ở các nước mình xuất khẩu sang đó để bán được hàng, chứ không thể nói, nước sở tại đưa ra quy định để chúng tôi bán được hàng mình đang có sẵn.
“Nếu không có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước tại nước sản xuất xe, chúng tôi xác định đưa sản phẩm đi kiểm định tại các tổ chức quốc tế được công nhận để đáp ứng được quy định của nước nhập khẩu”, ông Đức nói.
Ngoài ra ông này cũng cho rằng, yêu cầu đường thử 800 mét không quá khắt khe khi nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô ở nước ngoài có đường thử lên tới vài kilomet với nhiều địa hình phức tạp hơn.
Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng có trụ sở tại TP.HCM cũng cho phóng viên Báo Đầu tư hay, yêu cầu “cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài” không khó bởi hãng mẹ bên Đức có cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng để nộp cho cơ quan chức năng.
“Các doanh nghiệp nhập khẩu lô bé, chi phí sẽ tăng do phải đáp ứng các yêu cầu kiểm định, nhưng điều này vẫn nên làm để tránh tình trạng lô hàng mẫu mang đi thử nghiệm thì tốt, mà các lô sau lại không bằng và người tiêu dùng sẽ gánh hậu quả”, vị này nói.
VAMA bất đồng quan điểm
Ông Bùi Kim Kha, Phó tổng giám đốc kinh doanh xe du lịch Công ty Ô tô Trường Hải, Phó chủ tịch VAMA cũng không đồng thuận với các kiến nghị của VAMA.
Theo ông Kha, tất cả các xe nhập khẩu về Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đang áp dụng tại Việt Nam. Doanh nghiệp trước khi thực hiện nhập khẩu một kiểu loại ô tô phải kiểm tra, đối chiếu với các quy định kỹ thuật hiện hành, do đó, không thể xảy ra trường hợp xe nhập về có sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.
Đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng phải thực hiện các quy định ngặt nghèo và được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, thử nghiệm, xác nhận hàng năm (trừ thiết kế). Sau khi kiểu loại ô tô đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng, mỗi ô tô trước khi xuất xưởng phải được kiểm tra sự phù hợp các linh kiện so với sản phẩm mẫu, nếu không sẽ không được cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu xuất xưởng.
Với ô tô nhập khẩu, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đảm bảo cho linh kiện, hệ thống, các tổng thành trên xe đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và là một trong các căn cứ để cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành kiểm tra và chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.
“Thaco hiện nhập khẩu xe Mazda 2, Mazda BT 50, Kia hay Peugeot đều phải tuân thủ các quy định này nhưng chúng tôi có kế hoạch kỹ càng và không gặp trường hợp ùn tắc tại cảng hay không đăng kiểm được”, ông Kha nói.
Theo Báo đầu tư
Cùng với việc được giảm 50% lệ phí trước bạ, bắt đầu từ tháng 12.2021 ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước tiếp tục được gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo nội dung Nghị định 104/2021/NĐ-CP.
Một nhóm công ty khởi nghiệp ở châu Âu và châu Mỹ đang tìm cách đóng góp vai trò cho quá trình chuyển đổi ô tô bằng cách chuyển những chiếc xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch thành xe điện sạch (EV).
Mục tiêu nội địa hóa linh kiện 35-45% trong hơn 20 năm không thành nhưng nhiều hãng như VinFast, Trường Hải, TC Motor đang đầu tư lớn để thay đổi.
Thái Lan công bố một loạt ưu đãi cho ô tô điện, xe buýt, xe tải, xe máy và tàu thủy để thúc đẩy sản xuất xe điện (EV) và chuỗi cung ứng của nó.
Số thuế được ưu đãi cho việc nhập khẩu linh kiện phục vụ việc sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam tính đến hết tháng 6/2020 là 12.411 tỷ đồng.