Đây là kiến nghị của TS Nguyễn Mạnh Hải, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo "Công bố kết quả nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam", ngày 11/3.
Theo ông Hải, cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở các quốc gia có thể khác nhau, nhưng hầu hết đều hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh.
Cách áp đặt thuế phần lớn đều nhằm giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính; áp dụng các công cụ kinh tế nhằm buộc các nhà sản xuất chuyển chi phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm (nội hoá các chi phí ngoại ứng); khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường.
Theo chuyên gia của CIEM, hiện Thái Lan, Malaysia, Nam Phi, Trung Quốc đã miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải.
Các nước Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đức, Italia áp dụng phí môi trường đánh vào nguồn gây ô nhiễm hay còn gọi là Thuế Carbon; hay Malaysia, Lào, Campuchia; Indonesia, Thái Lan, Brunei, Singapore dùng thuế, phí môi trường đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm...
Ông Hải cho rằng, Việt Nam đã và đang khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh thông qua chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, áp dụng mức thuế suất thấp hơn đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học...
Tuy nhiên, chính sách ưu đãi về thuế vẫn chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh.
Đơn cử, từ 1/1/2019, thông qua chính sách Thuế Bảo vệ môi trường. Các đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường gồm xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; túi nilon; thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng... nhưng mức thuế đối với những đối tượng này còn thấp.
Ví dụ, túi nilon thuộc diện chịu thuế, mỗi kg chỉ phải đóng mức 30.000 - 50.000 đồng; thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng chỉ có mức chịu thuế là 500 đồng/kg; thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế là 1.000 đồng/kg...
Nhóm nghiên cứu đề xuất, chính sách ưu đãi Thuế Thu nhập doanh nghiệp cần được hoàn thiện cả về mức ưu đãi và thời gian ưu đãi nhằm thu hút có chọn lọc đầu tư vào phát triển ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; khuyến khích sản xuất năng lượng sạch; khuyến khích phát triển vận tải công cộng.
Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học bằng 50% của mức thuế suất đối với xăng khoáng nhằm tạo sự chênh lệch đáng kể giữa xăng sinh học và xăng khoáng.
Cần tiếp tục duy trì và tăng mức thu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô, nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa này.
Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô tại Việt Nam theo hệ lũy tiến tăng dần theo dung tích xylanh của xe hơi. Với xe có dung tích xylanh dưới 1.5L, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ là 35%; với xe dung tích xylanh từ 1.5L - 2.0L, mức thuế là từ 40%; xe dung tích xylanh từ 2.0L đến 3.0L chịu thuế 60%; xe dung tích xylanh từ 3.0L đến 6.0L chịu thuế 90% đến 150%.
Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đến 20/11 năm nay.
Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính nghiên cứu để đề xuất xuất tiếp tục giảm thuế suất cho ô tô điện và hybrid.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - VAMA đã kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ với dòng xe HEV, PHEV.
Ô tô có dung tích xi-lanh từ 2.500 cm3 trở xuống sẽ chịu thuế suất là 15% và loại có dung tích xi-lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 có thuế suất là 20%.
Theo Cổng thông tin điện tử của Chính Phủ, các cơ quan liên quan đang xem xét khả năng tiếp tục gia hạn ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.