Thị Trường, - 09/06/2018 03:35 PM
Nghiên cứu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều hộ gia đình có điều kiện sở hữu ô tô nhưng vẫn giữ xe máy để sử dụng khiến thị trường xe máy tiếp tục gia tăng.

Kết quả này khiến các hãng xe máy vui mừng nhưng cũng đặt ra những thách thức đối với công tác đảm bảo ATGT, nhất là vấn nạn ùn tắc tại các thành phố lớn.

Thị trường xe máy tái lập kỷ lục

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong năm tài khóa 2018 (từ tháng 4/2017 - 3/2018), doanh số của các thành viên hiệp hội đã đạt con số hơn 3,28 triệu xe máy, tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, với doanh số kể trên đã đạt tới cột mốc của năm 2011 - thời điểm thị trường xe máy trong nước bùng nổ.

Dẫn đầu về thị phần xe máy trong nước vẫn là Honda Việt Nam (HVN) với 2,38 triệu xe được bán ra, đạt mức tăng trưởng hơn 9% và chiếm lĩnh tới 72,5% thị phần xe máy trong nước. Đây là doanh số và thị phần lớn nhất mà HVN nắm giữ kể từ trước tới nay.

Thương hiệu xe máy đứng ngay sau HVN là Yamaha Việt Nam, trong năm 2017 cũng đạt doanh số hơn 800 nghìn xe, chiếm hơn 27% thị phần. Trước đó, Yamaha cũng công bố những cột mốc doanh số ấn tượng trong năm 2017. Cụ thể, trong năm 2017, Yamaha Motor Việt Nam bán ra 177.025 chiếc xe tay ga (tăng hơn 15% so với năm 2016) và chiếm 11,30% thị phần xe tay ga năm 2017. Với kết quả trên, xe tay ga đã trở thành trụ cột chính của Yamaha trong năm 2017. Thị trường xe côn tay phổ thông cũng được độc chiếm bởi mẫu xe Exciter của Yamaha…

Thời gian qua, các hãng xe máy liên tục tung ra các mẫu xe mới để thu hút khách hàng

Trao đổi với Báo Giao thông về thị trường xe máy năm qua và xu thế những năm tiếp theo, ông Kuwahara, Tổng giám đốc HVN cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường xe máy tăng trưởng trong đó phải kể đến việc các hãng xe liên tục thay đổi, nâng cấp nhiều mẫu xe phù hợp hơn với người tiêu dùng Việt Nam. Đơn cử như Honda, đã có tới 10 mẫu xe máy và các phiên bản nâng cấp được giới thiệu trong năm tài khóa 2018”.

Tuy nhiên, ông Kuwahara cũng cho biết, thị trường xe máy những năm tới dự kiến sẽ có nhiều khó khăn. Ngay như HVN cũng chỉ đặt ra mục tiêu duy trì mức doanh số cũng như thị phần xe máy kể trên chứ không đặt kỳ vọng phát triển trong năm tài khóa 2019.

Theo các chuyên gia, hiện thị trường xe máy Việt vẫn rất tiềm năng do hạ tầng còn nhiều hạn chế, thời điểm hiện tại vẫn chưa phù hợp để thị trường ô tô bùng nổ nên xe máy vẫn là giải pháp di chuyển tối ưu.

Sở hữu ô tô nhưng vẫn sử dụng xe máy

Theo số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2017, trong lĩnh vực đường bộ đã xảy ra 19.798 vụ TNGT, làm chết 8.089 người, bị thương 16.970 người. Hơn 70% số vụ TNGT có liên quan đến xe máy.Hiện, Việt Nam có hơn 50 triệu xe máy đăng ký, xe máy chiếm tới trên 85% dòng giao thông.

Trước câu hỏi, phải chăng do hạ tầng giao thông hiện chưa thực sự phù hợp để ô tô có thể thay thế xe máy nên người dân vẫn tiếp tục gia tăng sử dụng xe máy như một loại hình di chuyển chính? TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: “Nhận định trên hoàn toàn có căn cứ”.

Theo TS. Minh, “các nghiên cứu gần đây giữa Đại học GTVT - Ngân hàng Thế giới về sở hữu, sử dụng xe máy tại Hà Nội (2013-2014) và các nghiên cứu giữa Ủy ban ATGT Quốc gia với VAMM về sở hữu và sử dụng xe máy tại TP HCM (2015-2016), Hà Nội (2016-2017) cho thấy, xe máy vẫn tiếp tục gia tăng, thậm chí phần lớn các hộ gia đình có điều kiện sở hữu ô tô vẫn giữ xe máy để sử dụng.

Kết quả nghiên cứu trên cũng cho thấy, một số nội dung rất đáng quan tâm, như việc số lượng xe máy thực tế lưu hành tại hai thành phố thấp hơn nhiều so với số lượng đăng ký (dưới 75%).

Theo những nghiên cứu mới nhất, hiện nay khoảng 90% nhu cầu đi lại tại Hà Nội, TP HCM do vận tải cơ giới cá nhân đảm nhiệm, trong khi vận tải hành khách công cộng còn rất hạn chế, dẫn tới những hệ lụy tất yếu: Ô nhiễm môi trường, tai nạn và ùn tắc giao thông gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp.

Một lý do khác là giá ô tô trong nước vẫn còn cao, chi phí sử dụng đắt đỏ nên người dân quay trở lại dùng xe máy.

Một nguyên nhân khác cũng được nhắc đến giúp thị trường xe máy bùng nổ trở lại là các loại hình dịch vụ vận chuyển bằng xe máy cũng trở nên sôi động như Uber hay Grab. Đến thời điểm hiện tại, loại hình dịch vụ di chuyển bằng Grab Bike hay Uber Moto trước đây vẫn là hình thức dịch vụ được nhiều người sử dụng. Hiện tại, hình thức này đã được triển khai tại hơn 20 thành phố lớn nhỏ trên cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc lượng xe máy tham gia vào lĩnh vực này cũng khá lớn.

Về kinh nghiệm quản lý xe máy, ông Trần Hữu Minh cho biết, xe máy tồn tại khá phổ biến ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Mỗi quốc gia đều có cách tiếp cận khác nhau và trong một chừng mực nào đó đều có ưu điểm nhất định. Nếu chọn một mô hình tốt về quản lý, sử dụng xe máy, có lẽ Đài Loan là một ví dụ điển hình. Tại Đài Loan, các công tác quy hoạch không gian đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông cho xe máy, tổ chức giao thông, nâng cao các yêu cầu về tính năng an toàn với xe máy (AHO/đèn nhận diện ban ngày, phanh ABS...), quản lý kỹ thuật phương tiện, đào tạo và sát hạch cấp GPLX, kết nối giữa xe máy với các phương thức vận tải công cộng khác được thực hiện rất tốt. Bởi vậy, trong điều kiện tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy rất cao nhưng giao thông của Đài Loan vẫn rất trật tự, an toàn và thân thiện với môi trường. “Tôi cho rằng đó là những kinh nghiệm rất tốt mà chúng ta có thể tham khảo”, TS. Minh cho biết.

Bản thân xe máy hay ô tô tự chúng không tạo ra vấn đề. Ô tô là phương tiện đi lại hết sức văn minh, xe máy cũng có rất nhiều ưu điểm, nhưng lạm dụng, dùng không hợp lý sẽ tạo ra nhiều vấn đề. Bởi vậy, việc hoàn thiện môi trường kể cả về mặt pháp luật, kết cấu hạ tầng giao thông, kết hợp với chính sách quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân hợp lý để người dân không lạm dụng phương tiện cơ giới cá nhân có thể sử dụng vận tải hành khách công cộng và phi cơ giới như xe đạp, đi bộ cho nhiều chuyến đi thường xuyên là điều hết sức quan trọng.Cần nhấn mạnh với các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, thiếu một trong hai yếu tố công cộng và cá nhân đều gặp vấn đề nghiêm trọng về GTVT. Bởi vậy, không nên xem vận tải hành khách công cộng và cá nhân là hai nhân tố đối đầu nhau, mà là hai nhân tố kết hợp với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia

Theo Báo Giao thông

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.