Như đã đưa tin, mới đây, một nhóm doanh nghiệp (DN) kinh doanh buôn bán ô tô nhập khẩu tại Hà Nội đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét lại lộ trình tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Theo nhóm DN này, Thông tư 130 của Bộ Tài chính quy định các DN có phát sinh nhập khẩu ô tô trước ngày 1/7/2016 nhưng xuất hóa đơn sau ngày 1/7/2016 sẽ phải nộp thuế theo Luật thuế TTĐB mới. Điều đó có nghĩa, các xe nhập khẩu có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên đã bán cho khách hàng, nếu xuất hóa đơn sau ngày 1/7/2016 cũng bị áp thuế TTĐB mới tăng từ 90% - 150%.
Nhiều DN kinh doanh ô tô lo bị truy thu thuế tới hàng trăm tỷ đồng (ảnh minh họa)
Các DN cho rằng, quy định cứng nhắc của Thông tư khiến các DN phải cộng thêm số tiền từ 200 triệu đồng đến khoảng 2 tỷ đồng/xe tùy theo dung tích xi lanh. Hơn thế, sẽ có DN bị truy thu hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng tiền thuế TTĐB "một cách vô lý".
Các DN kiến nghị áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên nhập khẩu trước ngày 1/7/2016 nhưng bán ra sau ngày 1/7/2016 được áp dụng theo mức thuế suất thuế TTĐB quy định trước ngày 1/7/2016.
Liên quan tới nội dung này, Bộ Tài chính đã có văn bản phản hồi, trong đó, bộ này đề nghị các DN cần thực hiện theo đúng quy định của luật.
Cụ thể, theo giải thích của Bộ Tài chính, về giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô, để bảo đảm công bằng về giá tính thuế giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) do cơ sở kinh doanh nhập khẩu bán ra đã được nêu rõ tại Nghị định 108 ngày 28/10/2015 của Chính phủ.
Theo quy định trên, từ ngày 1/1/2016, cơ sở nhập khẩu phải khai thuế TTĐB ở 2 khâu: Khâu nhập khẩu và khâu bán ra trong nước và khi xác định số thuế TTĐB ở khâu bán ra trong nước, cơ sở nhập khẩu được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu.
Từ ngày 1/7/2016, tại khoản 1 điều 2 Luật 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB, Luật quản lý thuế quy định giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.
Về thuế suất thuế TTĐB, Bộ Tài chính dẫn quy định tại khoản 2, điều 2 Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016) cho hay, thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh trên 3.0L đến 4.0L là 90%.
Trong khi đó, loại xe ô tô có dung tích xi lanh trên 4.0L đến 5.0L có mức thuế suất TTĐB là 110%; loại xe ô tô có dung tích xi lanh trên 5.0L đến 6.0L là 130%; loại xe ô tô có dung tích xi lanh trên 6.0 L là 150%.
"Theo quy định nêu trên, kể từ ngày 1/7/2016, cơ sở nhập khẩu ô tô khi nhập khẩu và khi bán ra trong nước phải khai thuế TTĐB theo mức thuế suất quy định tại Luật số 106/2016/QH13", Bộ Tài chính kết luận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các kiến nghị của nhóm DN ô tô nói trên đã bị bác bỏ.
Theo Dân Trí
Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đến 20/11 năm nay.
Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính nghiên cứu để đề xuất xuất tiếp tục giảm thuế suất cho ô tô điện và hybrid.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - VAMA đã kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ với dòng xe HEV, PHEV.
Ô tô có dung tích xi-lanh từ 2.500 cm3 trở xuống sẽ chịu thuế suất là 15% và loại có dung tích xi-lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 có thuế suất là 20%.
Theo Cổng thông tin điện tử của Chính Phủ, các cơ quan liên quan đang xem xét khả năng tiếp tục gia hạn ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.