Chính phủ vừa có tờ trình dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó có một trong những vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua là để Bộ Công an hay Bộ GTVT quản lý đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe.
Các bộ thống nhất phương án
Theo tờ trình, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định các vấn đề về: quy tắc giao thông, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới...
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, an toàn giao đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1: Vấn đề đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Việc thống nhất phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ký văn bản đồng ý thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội phương án trên.
Dự luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an chủ trì soạn thảo trên cơ sở "tách" một phần nội dung Luật giao thông đường bộ. Chính phủ cũng đồng thời trình Quốc hội xem xét dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) thời gian tới.
Bộ Công an: đảm bảo quản lý xuyên suốt
Tại phiên họp thường trực mở rộng, Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ chiều 7-9, Thứ trưởng Bộ Công an, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết so với quy định tại Luật giao thông đường bộ năm 2008, dự án luật lần này đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về công tác đăng ký, cấp biển số xe theo hướng chặt chẽ hơn.
Đối với quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, do vẫn còn có ý kiến khác nhau nên Chính phủ vẫn báo cáo Quốc hội hai phương án. Phương án 1: đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; phương án 2: dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Đại diện Bộ Công an cho rằng người lái xe vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông. Do đó, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe.
Theo Bộ Công an, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ là các nội dung quan trọng nhất, xuyên suốt, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe khi tham gia giao thông, quyết định đến trật tự, an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Bộ Công an cho rằng việc đưa các quy định này vào phạm vi điều chỉnh của Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do đó, đa số thành viên Chính phủ đã đồng ý với phương án 1.
Bộ GTVT: thấy tốt hơn thì chúng tôi ủng hộ
Tại phiên thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Quốc phòng - an ninh dự cuộc họp cũng nhất trí với phương án được Chính phủ lựa chọn. Tuy nhiên, do còn ý kiến khác nhau nên thường trực ủy ban quyết định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào thời gian tới.
Bày tỏ quan điểm về nội dung trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng những vấn đề về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong thực tế vừa qua cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Đến thời điểm này, đưa các nội dung này (từ Luật giao thông đường bộ - NV) sang Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
"Thời gian tới chúng ta cần thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiểm soát tốt người điều khiển phương tiện giao thông thì Bộ Công an thống nhất quản lý là cần thiết. Chúng ta cần giải pháp mạnh cho lĩnh vực này, Bộ GTVT rất đồng tình, thấy tốt hơn thì chúng tôi ủng hộ" - ông Thọ nói.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cung cấp thêm thông tin: "Vấn đề này đã được phân định rõ ràng trong quyết định của Chính phủ, bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã thống nhất những nét cơ bản. Ví dụ vấn đề sát hạch cấp giấy phép lái xe, bộ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an chủ trì sát hạch".
Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) có gì mới?
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có tờ trình số 394/TTr-CP về dự án Luật giao thông đường bộ gửi Quốc hội. Theo đó, so với Luật giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh.
Điểm đáng chú ý là các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển, đăng ký xe, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại dự thảo luật này (do đã thống nhất với Bộ Công an chuyển nội dung sát hạch lái xe qua Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ - NV).
Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) có một số điểm mới: bổ sung quy định ôtô con phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em trong tài liệu sử dụng; bổ sung quy định kiểm soát khí thải định kỳ, đèn tín hiệu nhận diện đối với môtô, xe máy; bổ sung các quy định về trách nhiệm của chủ xe như: kiểm tra định kỳ về khí thải môtô, xe máy...
Tránh nhầm lẫn, chồng chéo
Tham gia thảo luận về nội dung dự án luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt băn khoăn về việc "tách" hai dự luật nêu trên.
Bà Nguyệt cho rằng vấn đề trật tự an toàn giao thông được đảm bảo bởi tổng thể các yếu tố gồm hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện, các quy tắc giao thông và đào tạo, sát hạch, xử lý vi phạm...
"Chúng tôi nghĩ phải làm thế nào để người dân hiểu được và hai luật trên không nhầm lẫn, chồng chéo nhau, thành quyền anh, quyền tôi" - bà Nguyệt nói.
Tới đây, dự luật sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Không ít ý kiến cho rằng, với phần mềm mô phỏng, nhiều tình huống đưa ra vô lý, thậm chí không đúng với phản xạ thực tế của người lái xe trên đường. Điều này dẫn tới tình trạng người học ghi nhớ như học thuộc bài chứ chưa thể xử lý theo đúng phản xạ thực tế.
Lệ phí cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe vẫn được giữ nguyên mức 135.000 đồng/lần nhưng phí sát hạch lái xe cơ giới các loại tăng từ 10.000 đến 50.000 đồng.
Liên quan đến vụ sai phạm ở Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn, Sở Giao thông vận tải Đồng Nai vừa ký văn bản gửi Cục Đường bộ thông báo tạm dừng tiếp nhận tổ chức các kỳ thi sát hạch lái xe ô tô đối với học viên ở trung tâm này.
Trước 30/4/2023, Bộ Giao thông Vận tải dự kiện sẽ lập nhiều đoàn kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch lái xe tại 63 tỉnh thành.
Theo Bộ Tài chính, mức phí sát hạch lái xe chưa phù hợp với thời điểm hiện nay do có nhiều biến động về giá.