Walmart và Gatik bắt đầu hợp tác thử nghiệm xe tải thùng vận hành hoàn toàn tự động (không có tài xế giám sát) kể từ tháng 8. Ảnh: Forbes.
Kể từ tháng 8, Walmart và Gatik bắt đầu hợp tác để thử nghiệm 2 xe tải thùng vận hành hoàn toàn tự động (không có tài xế giám sát) để chở các đơn hàng thực phẩm đặt mua trực tuyến. Chúng di chuyển gần như liên tục 12 giờ mỗi ngày trên tuyến đường dài hơn 11 km kết nối một trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Walmart với một siêu thị của tập đoàn này ở Bentonville, bang Arkansas, nơi Walmart đặt trụ sở.
Chương trình thử nghiệm này được khởi động từ tháng 12-2020 sau khi nhận được sự đồng ý của Ủy ban cao tốc bang Arkansas và kể từ mùa hè vừa qua, tài xế giám sát an toàn được rút khỏi hai chiếc xe tải tự lái nói trên.
“Có được sự tin tưởng từ nhà bán lẻ lớn nhất thế giới là một động lực to lớn cho những gì chúng tôi đang làm và là sự chứng thực cho công nghệ, giải pháp và sự tiến bộ của chúng tôi”, Gautam Narang, Giám đốc điều hành Gatik, cho biết trong cuộc trò chuyện với hãng tin CNBC.
Walmart cho biết mục đích sử dụng xe tải tự lái để vận chuyển hàng thực phẩm cho mảng kinh doanh trực tuyến nhằm tăng công suất và nâng cao tính hiệu quả. Thỏa thuận hợp tác giữa Walmart và Gatik tập trung vào giai đoạn giao hàng chặng giữa, tức vận chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng, thường là từ một nhà kho đến trung tâm hoàn thiện đơn hàng hay từ nhà kho đến cửa hàng hay siêu thị.
“Thông qua quá trình làm việc với Gatik, chúng tôi xác định rằng xe tải thùng tự lái cung cấp giải pháp hiệu quả, an toàn và bền vững để vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường lặp lại giữa các cửa hàng của chúng tôi”, Phó chủ tịch cấp cao của Walmart Tom Ward cho biết trong một thông cáo báo chí về dự án.
Chuỗi siêu thị thực phẩm lớn nhất nước Mỹ cho biết việc sử dụng xe tải tự lái cho phép các nhân viên siêu thị có nhiều thời gian để thực hiện các nhiệm vụ khác, bao gồm chọn và đóng gói các đơn đặt hàng trực tuyến và hỗ trợ khách hàng.
“Mô hình giao hàng cũ, nơi bạn có một trung tâm phân phối khổng lồ nằm cách người tiêu dùng 4-5 giờ chạy xe không còn hiệu quả nữa. Các nhà bán lẻ thực phẩm buộc phải thiết lập các trung tâm hoàn thiện đơn hàng nằm gần khu vực của người tiêu dùng hơn và một khi bạn có thể tiếp cận khách hàng trong khoảng cách gần hơn, bạn sẽ phải thu hẹp quy mô kho hàng của mình. Khi kho hàng bị thu hẹp, nhu cầu của các chuyến vận chuyển hàng lặp đi lặp lại từ các trung tâm phân phối đến các điểm nhận hàng sẽ tăng lên. Đó cũng là lúc chúng tôi cần sử dụng đến xe tải tự lái”, Gautam Narang nói.
Gatik cho biết các xe tải thùng tự lái của công ty này có thể giúp giảm tới 30% chi phí kho vận (logistics) cho một doanh nghiệp kinh doanh hàng thực phẩm, trong khi theo nghiên cứu từ Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Co, các siêu thị và cửa hàng thực phẩm thường có biên lợi nhuận rất mỏng, khoảng từ 2% đến 4%.
Walmart và Gatik cũng đang thực hiện các thử nghiệm tương tự ở khu vực New Orleans, bang Louisiana bằng cách sử dụng một chiếc xe tải thùng chạy bằng động cơ điện, có tài xế giám sát an toàn trên xe, để vận chuyển các đơn đặt hàng thực phẩm trực tuyến từ một đại siêu thị của Walmart Supercenter đến một điểm nhận hàng của khách.
Hiện nay, do không có đủ lực lượng tài xế để vận chuyển tất cả các container hàng hóa đến nơi cần tại Mỹ, dẫn đến nhiều sản phẩm thiếu hụt và đắt đỏ, gây sức ép lên lạm phát.
Narang cho biết xe tải tự lái có thể giúp các công ty giảm nhẹ tác động của tình trạng thiếu tài xế trong các chuỗi cung ứng. “Giải pháp này phù hợp với các chuỗi cung ứng khác nhau, các loại hình kho vận khác nhau. Nó không chỉ giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động mà còn giúp tăng hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí hoạt động”, Narang nói.
Trên lý thuyết, xe tải tự lái có thể hoạt động 24/7 để vận chuyển hàng hóa từ các cảng đang tắc nghẽn đến kệ hàng siêu thị được nhanh chóng và an toàn, đồng thời giúp cắt giảm chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, sẽ phải mất từ 2-3 năm nữa, xe tải tự lái mới sẵn sàng vận hành thương mại trên các xa lộ ở Mỹ.
Dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm sớm cho thấy xe tải tự lái có hiệu quả cao hơn đáng kể so với xe tải có tài xế. Hàng loạt công ty khởi nghiệp khác như Waymo, Aurora, Embark, Kodiak, TuSimple cũng đang đạt được tiến bộ trong nỗ lực hướng đến việc triển khai thương mại xe tải tự lái trên các xa lộ.
Hãng giao nhận UPS cũng đã thử nghiệm xe tải đầu kéo tự lái của công ty khởi nghiệp TuSimple, có trụ sở ở bang California kể từ năm 2019. Hai bên cho biết trong tổng hành trình 256.000 km chạy thử nghiệm ở bang Arizona, các xe tải đầu kéo tự lái giúp tiết kiệm được 13% nhiên liệu. Điều này có nghĩa là ngành vận tải đường bộ của Mỹ có thể tiết kiệm hàng tỉ đô la mỗi năm nếu chuyển sang xe tải tự lái.
Xe tải đầu kéo tự lái của công ty khởi nghiệp TuSimple, có trụ sở ở bang California. Ảnh: Chicago Tribune
Hồi đầu tháng 11, TuSimple cho biết sẽ thử nghiệm xe tải tự lái mà không cần người giám sát an toàn trên các tuyến đường dài 128 km giữa thành phố Phoenix và thành phố Tucson ở bang Arizona.
Công ty khởi nghiệp Kodiak Robotics cũng bắt đầu thử nghiệm xe tải tự lái không sử dụng tài xế giám sát an toàn ở các tuyến đường khép kín. Công ty này vừa huy động thêm được 125 triệu đô la trong vòng gọi vốn mới.
Theo Hiệp hội vận tải đường bộ Mỹ, nước Mỹ thiếu khoảng 80.000 tài xế xe tải và con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2030. Tình trạng thiếu hụt tài xế này càng trầm trọng hơn trong thời kỳ dịch bệnh khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng lên đúng vào lúc nhiều tài xế nghỉ hưu sớm.
Theo Viện Nghiên cứu vận tải Mỹ, nhiên liệu chiếm 24% chi phí trên mỗi dặm vận hành của xe tải hạng nặng, trong lúc đó, chi phí nhân công chiếm 42%. Do vậy, xe tải tự lái cũng giúp tiết kiệm chi phí nhân công đáng kể và điều quan trọng nữa là giúp ứng phó cuộc khủng hoảng thiếu tài xế xe tải được dự báo ngày càng trầm trọng.
Theo CNBC, Axios, TechCrunch
Từ hôm nay (ngày 8/6/2023), các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô có thể xin cấp phép thực hiện dịch vụ kiểm định xe cơ giới, theo Nghị định 30/2023.
Cục Đăng kiểm Việt Nam ra mắt tính năng đăng ký tài khoản doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các công ty vận tải, nhà xe. Việc này được cho là tiết kiệm thời gian và chi phí của người dân và doanh nghiệp.
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam vừa kiến nghị với thủ tướng có làn kiểm định riêng với xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải thuộc diện được giãn chu kỳ đăng kiểm.
Dự kiến mức phí sử dụng đường bộ cho xe kinh doanh vận tải hàng hóa sẽ được giảm từ 10 đến 30% nếu được Chính phủ thông qua.
Dưới sức ép từ giá xăng dầu tăng cao trong thời gian gần đây, nhiều chủ xe tải chở hàng đã đành phải thanh lý xe để giảm gánh nặng nợ nần, trả lãi khi càng chạy càng lỗ.