Hầu hết các dòng xe, hệ thống đèn có hai chế độ: đèn pha và đèn cos. Đèn pha có ký hiệu các luồng sáng thẳng, đèn cos có ký hiệu các luồng sáng chếch xuống dưới.
Đèn cos có tầm chiếu sáng gần, giúp quan sát mặt đường ở cự ly ngắn, phù hợp khi lưu thông trong thành phố hoặc khu đông dân cư, khoảng cách các xe gần nhau, di chuyển với tốc độ vừa phải.
Đèn pha có tầm chiếu sáng xa và mạnh giúp quan sát tốt hơn mặt đường, vật cản, các biển báo… người lái có tầm nhìn tốt, dễ dàng xử lý các tình huống bất ngờ.
Tuy nhiên, đèn pha lại là tác nhân gây cản trở tầm nhìn, gây khó chịu những lái xe đi ngược chiều và cả những xe cùng chiều ở phía trước, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Vì vậy, chỉ nên sử dụng đèn pha khi đi trên các tuyến đường cao tốc có dải phân cách cao.
Trên các tuyến đường trường, lượng xe lưu thông ít, người lái cũng có thể sử dụng đèn pha, nhưng nên chuyển về cos khi có xe đi ngược chiều.
Sử dụng đèn pha sai cách không chỉ thể hiện văn hóa giao thông kém mà còn vi phạm luật giao thông. Cụ thể, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định hành vi sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với ô tô. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư.
Mà trước mắt, dùng đèn này không để ý, lắm lúc bị chửi nặng trên đường đấy anh em!
Chửi cũng không oan, bởi khi tham gia giao thông tại Việt Nam, không khó gặp tình trạng lóa mắt, khó chịu do xe đi ngược chiều hay phía sau bật đèn pha.
Cùng với Điều khiển hành trình (cruiser control), công nghệ Đèn pha thích ứng ngày càng xuất hiện nhiều trên các mẫu xe phổ thông. Tên gọi và chức năng của chúng cũng có phần khác nhau tùy theo từng thương hiệu.