Tăng áp còn được gọi là Turbo hay TurboCharger, là một thiết bị có chức năng nén luồng khí nạp vào buồng đốt. Hiện nay có một số cách dẫn động tăng áp, nhưng phổ biến và thông dụng nhất là sử dụng áp lực của dòng khí thải.
Hiệu suất động cơ phụ thuộc và chu trình cháy, và chu trình cháy không chỉ bị giới hạn ở số lượng nhiên liệu được phun vào, mà còn cả lượng không khí pha trộn với lượng nhiên liệu đó. Đẩy (cưỡng ép) không khí đi vào buồng đốt của động cơ ở một áp lực cao hơn cho phép nhiều nhiên liệu được đốt cháy và kết quả là cho ra hiệu suất cao hơn.
Cấu tạo của bộ tăng áp bao gồm hai phần chính là tua-bin (Turbine) và bộ nén, đó là hai cánh quạt gắn trên một trục, mỗi quạt một đầu trục. Khí xả của động cơ được dẫn tới một quạt của tua-bin với mục đích để quay trục và xoay quạt thứ hai theo hiệu ứng ngược lại, được gọi là bộ nén, bộ nén này sẽ có nhiệm vụ nén khí vào khoang nạp khí của động cơ.
Ưu điểm lớn nhất cũng động cơ tăng áp là tăng công suất cho động cơ, giúp xe vận hành mạnh mẽ hơn mà không cần tăng số lượng và dung tích xi-lanh. Theo các chuyên gia, với động cơ tăng áp, công suất động cơ có thể tăng từ 30 - 40% so với động cơ thường cùng dung tích. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, động cơ sử dụng tăng áp có nhược điểm là đòi hỏi các pít-tông (Piston) và trục khuỷu cũng phải cứng hơn để đáp ứng đúng yêu cầu và tính chất kỹ thuật.
Cùng với lượng nhiệt bổ sung sinh ra từ bộ tăng áp động cơ khá lớn, do đó xe bắt buộc phải trang bị hệ thống làm mát với bộ tản nhiệt lớn cùng các chi tiết có khả năng chịu nhiệt tốt. Khi sử dụng tăng áp động cơ, các trục tua-bin có thể quay từ 100.000 đến 250.000 vòng/phút, vì vậy khoảng thời gian thay dầu nhớt cũng sẽ ngắn hơn động cơ thông thường.
Một nhược điểm lớn nữa là với điều kiện làm việc cao và số lượng chi tiết lớn hơn thì chi phí duy trì của xe sử dụng động cơ tăng áp sẽ đắt hơn xe dùng động cơ đốt trong thông thường.
Trước đây động cơ tăng thường chỉ được trang bị trên các dòng xe sang hoặc xe thể thao nhằm mục đích tăng hiệu suất vận hành. Nhưng gần đây, các dòng xe phổ thông cũng đã sử dụng động cơ này. Tại thị trường Việt Nam, một số mẫu xe có sử dụng động cơ tăng áp như Honda Civic, Hyundai Tucson, Huyndai Elantra,...